Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao dịch ở mức 63,36 USD/thùng, giảm 15 xu Mỹ, tương đương 0,24% so với phiên ngày 3/4.
Trong khi đó, giá dầu Brent giảm 18 xu Mỹ, khoảng 0,26%, xuống còn 67,94 USD/thùng. Mặt hàng dầu này đã tăng 0,7% trong phiên 3/4.
Một thăm dò mở rộng của hãng tin Reuters (Anh) cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ dự báo sẽ tăng trong tuần thứ 2 liên tiếp. Trong khi đó, Viện Xăng Dầu Mỹ ngày 3/4 công bố báo cáo cho thấy dự trữ dầu thô của nước này đã giảm 3,28 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 30/3, trái ngược so với dự báo tăng 1,7 triệu thùng đưa ra trước đó.
Theo kế hoạch, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ công bố số liệu chính thức về lượng dầu dự trữ tại các kho của nước này trong ngày 4/4.
Giá dầu giảm nhẹ trong ngày 4/4 do dự đoán tồn kho dầu của Mỹ sẽ tăng. |
Trước đó, thị trường dầu toàn cầu cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực sau khi Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak nói rằng một tổ chức hợp tác chung giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước không thuộc tổ chức này có thể sẽ được thành lập khi thoả thuận cắt giảm sản lượng hiện tại hết hiệu lực vào cuối năm nay.
Stephen Innes, Giám đốc kinh doanh cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại công ty môi giới kỳ hạn OANDA tại Singapore phân tích: “Nga đang thử nghiệm tăng sản lượng, tuy nhiên nếu nước này không tăng quá nhiều, thông tin này sẽ hỗ trợ cho giá dầu mỏ tiếp tục phục hồi trong dài hạn”.
Theo báo cáo mới nhất, sản lượng dầu của Nga đã tăng lên 10,97 triệu thùng/ngày trong tháng 3, tăng từ 10,95 triệu thùng trong tháng 2. Điều này đã khiến một số nhà kinh doanh gia tăng lo ngại liên minh giữa OPEC và các nhà sản xuất chủ chốt khác để cân bằng thị trường dầu mỏ đang bị đe dọa.
Giá năng lượng tăng mạnh từ mức thấp nhiều năm, chỉ khoảng 27 USD/thùng trong tháng 1/2016, do được hỗ trợ bởi nỗ lực cắt giảm sản lượng khoảng 1,8 triệu thùng dầu/ngày của OPEC và Nga bắt đầu từ đầu năm 2017 để hạn chế tình trạng dư cung toàn cầu.