Cụ thể, giá dầu thô Brent kỳ hạn giao dịch ở mức 73,90 USD/thùng, giảm 2,2% so với đóng cửa phiên trước đó. Trong khi đó, dầu thô WTI của Mỹ ở mức 68,36 USD/thùng, hạ 0,3% so với phiên trước đó trong bối cảnh hoạt động khoan dầu ở Mỹ giảm nhẹ.
Kết thúc cuộc họp ngày 22/6 tại Vienna (Áo), OPEC và các nước đồng minh đã thống nhất tăng sản lượng thêm 1 triệu thùng dầu/ngày. Giá dầu tăng mạnh sau quyết định nâng sản lượng của các nước thành viên trong và ngoài OPEC.
Sang phiên này, giá "vàng đen" chịu sức ép đi xuống do giới đầu tư đánh giá thỏa thuận mới của OPEC và các nước đồng minh dường như không thúc đẩy nguồn cung tăng cao như dự báo trước đó.
OPEC và các nhà sản xuất dầu chủ chốt khác, dẫn đầu là Nga đã cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày từ đầu năm 2017 để hạn chế tình trạng dư cung trên thị trường dầu toàn cầu và hỗ trợ giá.
Tuy nhiên, do sự gián đoạn nguồn cung từ các nước thành viên OPEC gồm Venezuela và Angola, sản lượng khai thác dầu mỏ của tổ chức này đã không đạt mục tiêu cắt giảm đưa ra trước đó.
Ngân hàng Barclays của Anh dự báo thị trường thế giới trong giai đoạn 6 tháng cuối năm nay sẽ chuyển từ mức thiếu hụt 200.000 thùng/ngày sang dư thừa 200.000 thùng/ngày nhờ cam kết nâng sản lượng của OPEC và Nga.
Theo đánh giá của Công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, thỏa thuận mới này đại diện thỏa thiệp giữa áp lực của người tiêu dùng và nhu cầu đối với các nước sản xuất dầu mỏ để hạn chế đà tăng của giá dầu và ngăn ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của những nước này.
Tại Mỹ, Công ty dịch vụ dầu mỏ Mỹ Baker Hughes cho biết các công ty năng lượng nước này đã cắt giảm 1 giàn khoan dầu mỏ trong tuần qua, ghi nhận mức sụt giảm đầu tiên trong 12 tuần, đưa tổng số lượng giàn khoan ở nước này giảm xuống 862 giàn khoan.