Theo số liệu của ngân hàng đầu tư đa quốc gia Citigroup, mặc dù sản xuất dầu đá phiến của Mỹ đang gia tăng, giá trung bình của một thùng dầu thô Brent có thể tăng thêm 10 USD vào cuối năm nay.
Các nhà phân tích giá dầu của Citigroup cho biết sự tăng sản lượng ở Mỹ cũng không ảnh hưởng nhiều đến giá dầu bởi sự hạn chế sản xuất được cam kết bởi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước xuất khẩu dầu lớn khác do Nga đứng đầu.
Các chuyên gia đưa ra nhận định, với sự duy trì thỏa thuận của OPEC và các nước khác trong nửa cuối năm 2017 và sự cắt giảm lượng hàng tồn, giá dầu dự tính sẽ lên trên mức 60 USD từ giờ đến cuối năm.
Ngân hàng này dự đoán, dầu thô West Texas Intermediate (WTI) sẽ đạt 62 USD/thùng và dầu Brent đạt 65 USD/thùng vào cuối năm. Tuy nhiên, các chuyên gia từ Citibank cảnh báo rằng nếu không mở rộng cam kết về giảm sản lượng, giá dầu lại có thể đi xuống, do sự tăng nguồn cung từ cuối năm 2016 vẫn đang hiện hữu.
Thoả thuận về việc cắt giảm cung cấp do OPEC bắt đầu có hiệu lực vào tháng Giêng. Tuy nhiên, giá dầu Brent vẫn chưa thể đạt tới mốc 60 USD/thùng. Giá dầu Brent vào nửa cuối tháng trước duy trì quanh mức 55 USD/thùng và chỉ lên 56 USD khi Mỹ tiến hành không kịch căn cứ quân sự của Syria.
Giá dầu phục hồi trong phiên 20/4, sau khi giảm mạnh phiên trước, khi Kuwait bày tỏ hy vọng nỗ lực cắt giảm nguồn cung mà OPEC sẽ được kéo dài sang nửa sau của năm. Giá dầu Brent kỳ hạn tăng 41 xu Mỹ, lên 53,34 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ kỳ hạn tăng 32 xu, lên 50,76 USD/thùng.
Giới giao dịch cho rằng giá dầu tăng sau khi Saudi Arab và Kuwait cho biết các nước OPEC và các nước ngoài OPEC, gồm Nga, sẽ muốn kéo dài thỏa thuận giảm sản lượng gần 1,8 triệu thùng/ngày qua tháng Sáu tới.
Việc kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 1 triệu thùng trong tuần trước xuống 532,34 triệu thùng theo báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cũng hỗ trợ đẩy giá dầu tăng.
Tuy nhiên, các nhà giao dịch cho rằng sản lượng dầu thô của Mỹ tăng gây lo ngại tình trạng dư cung sẽ vẫn tiếp tục.
Nhìn chung, các thị trường nhiên liệu toàn cầu vẫn dư thừa. Trả lời phỏng vấn ngày 20/4, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih cho biết nguồn cung vẫn tăng một phần do các nhà giao dịch bán ra.
Tại Trung Quốc, nguồn cung nhiên liệu vẫn dư thừa khi có dấu hiệu cho thấy các nhà máy lọc dầu đang tiêu thụ lượng dầu thô nhập khẩu kỷ lục để sản xuất các nhiên liệu như xăng và dầu vượt quá nhu cầu. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, sản lượng xăng của Trung Quốc trong tháng Ba vừa qua tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 11,24 triệu tấn, mức cao nhất kể từ tháng 4/2014.