Trong phiên giao dịch này, giá "vàng đen" giảm sau 3 phiên tăng liên tiếp trong bối cảnh thị trường chưa có dấu hiệu rõ ràng về việc gia hạn cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt, và dự đoán nguồn cung sẽ tăng mạnh sau khi đường ống dẫn dầu Keystone khởi động lại.
Cụ thể, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 24 xu Mỹ, tương đương 0,5%, xuống 57,82 USD/thùng sau khi giảm 1,4% trong phiên trước.
Giá loại dầu này đã chạm mức 59,05 USD/thùng trong phiên cuối tuần trước (24/11), mức cao nhất kể từ giữa năm 2015, trong bối cảnh nguồn cung bị gián đoạn do việc đóng cửa đường ống dẫn dầu Keystone, một trong số tuyến xuất khẩu dầu thô chính của Canada sang Mỹ.
Tập đoàn TransCanada ngày 28/11 cho biết trong tuần này họ sẽ khởi động lại đường ống Keystone công suất 590.000 thùng/ngày với áp lực giảm vào cuối ngày hôm nay sau khi có được chấp thuận từ các nhà điều hành Mỹ.
Giá dầu thô Brent Biển Bắc cũng giảm xuống 63,72 USD/thùng, giảm 12 xu Mỹ, khoảng 0,2% so với đóng cửa phiên trước.
Giá dầu WTI ghi nhận phiên sụt giảm đầu tiên trong 4 phiên, khi một số nhà đầu tư tỏ ra nghi ngờ về khả năng gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng tại cuộc họp của OPEC vào cuối tuần này.
Tuy nhiên, giá dầu WTI đã rút khỏi mức thấp nhất trong phiên, sau khi một thông tin cho biết các công nhân dầu mỏ tại Brazil sẽ đình công vào cuối tuần này.
"Giá dầu thô đã tăng hơn 40% kể từ tháng 6, và đạt mức cao nhất kể từ năm 2015. Nếu kết quả cuộc họp không như kỳ vọng, giá "vàng đen" có thể đi xuống, theo ngân hàng Goldman Sach.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI đã nhảy vọt trong những phiên gần đây khi dữ liệu từ Chính phủ Mỹ cho thấy đà sụt giảm của dự trữ dầu thô.
Bên cạnh đó, giá dầu còn được hỗ trợ từ tình trạng gián đoạn của đường ống dẫn dầu Keystone tại Mỹ do một vụ tràn dầu ở Nam Dakota.
Tuy nhiên, đà leo dốc gần đây của giá dầu có thể khuyến khích các nhà sản xuất dầu tại Mỹ gia tăng sản lượng khai thác dầu đá phiến.
Hiện nay, nhà đầu tư đang hướng sự chú ý đến cuộc họp của các thành viên trong và ngoài OPEC, dự kiến diễn ra vào ngày thứ Năm tại Vienna (Áo).
Các nhà phân tích dự báo cuộc họp này cũng sẽ thống nhất về việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Tình trạng chưa chắc chắn về khả năng các thành viên OPEC và các nước sản xuất dầu chủ chốt khác, bao gồm cả Nga, sẽ nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng sau thời điểm tháng 3/2018 đã gây áp lực đối với thị trường dầu toàn cầu.
Bộ trưởng Kinh tế của Nga, Maxim Oreshkin cho biết nền kinh tế của Nga bị tác động tiêu cực trong tháng 10 do thực hiện thỏa thuận hạn chế sản lượng. Moscow đã đồng ý cắt giảm sản lượng 300.000 thùng/ngày, theo Bộ trưởng Oreshkin.
Các nhà phân tích tại Barclays cảnh báo nhà đầu tư có thể đang tỏ ra lạc quan thái quá vào kết quả cuộc họp của OPEC.
Michael Cohen, Giám đốc nghiên cứu năng lượng tại Barclays, nhận định: “Chúng tôi kỳ vọng thỏa thuận cắt giảm sẽ được gia hạn thêm 6-9 tháng nữa trong cuộc họp sắp tới, nhưng thời gian gia hạn lại không quan trọng bằng tỷ lệ hạn ngạch cắt giảm”.