Giá “vàng đen chịu áp lực đi xuống trong phiên giao dịch này trước lo ngại về đà giảm tốc của kinh tế toàn cầu cùng với dấu hiệu nguồn cung toàn cầu dư thừa. Cụ thể, giá dầu Brent sụt 57 xu Mỹ, xuống còn 58,85 USD/thùng, trong khi đó giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ hạ 39 xu Mỹ, còn 53,39 USD/thùng.
Các nhà phân tích của JBC nhận định, các thị trường hàng hóa, đặc biệt là dầu mỏ, tiếp tục gặp khó trong phiên ngày 21/10 trước những số liệu kinh tế ảm đạm.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giảm tốc xuống mức 6% trong quý III, mức thấp nhất trong hơn 27 năm và thấp hơn mức dự báo. Nguyên nhân được cho là do hoạt động chế tạo tại nước này suy yếu và Bắc Kinh chưa giải quyết ổn thỏa các bất đồng thương mại với Washington.
Trong khi đó, Trung Quốc đang tìm kiếm các lệnh trừng phạt trị giá 2,4 tỷ USD đối với Mỹ vì không tuân thủ một quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về thuế từ thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Một văn bản được công bố ngày 21/10 cho biết Trung Quốc đang tìm kiếm các lệnh trừng phạt trị giá 2,4 tỷ USD đối với Mỹ vì không tuân thủ một quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong một vụ việc về thuế từ thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Cuộc tranh cãi căng thẳng nói trên diễn ra trong bối cảnh chính quyền Mỹ và Trung Quốc đang bế tắc trong cuộc chiến thương mại với các biện pháp đáp trả thuế lẫn nhau.
“Sự phục hồi của giá dầu trong ngắn hạn dường như không thể xảy ra do các chất xúc tác đẩy giá mặt hàng này đi lên đang thiếu hụt” - nhà môi giới dầu mỏ Stephen Brennock của trung tâm PVM nhận xét.
Theo ông Brennock, các yếu tố quan trọng nhất gồm một thỏa thuận thương mại toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc hoặc việc cắt giảm sâu hơn của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, mới đủ sức vực dậy thị trường dầu mỏ.
Bên cạnh đó, những dấu hiệu cho thấy nguồn cung trên toàn cầu vẫn dồi dào kết hợp với những lo ngại về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã gây sức ép khiến giá dầu giảm phiên thứ 2 liên tiếp.
Về phía nguồn cung, Nga hôm 20/10 cho biết trong tháng 9, nước này đã sản xuất nhiều dầu hơn lượng cam kết đưa ra trong thỏa thuận cắt giảm sản lượng ký với các nhà sản xuất khác.
OPEC, cùng với các nhà sản xuất dầu chủ chốt khác, dẫn đầu là Nga, đã thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày để hỗ trợ thị trường dầu thế giới. Thỏa thuận sẽ kéo dài đến tháng 3/2020 và các nhà sản xuất sẽ nhóm họp vào ngày 5-6/12 tới tại Vienna (Áo) để đưa ra các quyết định chính sách mới.
Các nhà giao dịch cho rằng OPEC+ có thể quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng tại cuộc họp vào tháng 12 tới, nhưng những trở ngại về kinh tế đang gây ra những lo ngại về nhu cầu dầu.
Ngoài ra, các cuộc đàm phán giữa các nước thành viên OPEC là Kuwait và Ả Rập Saudi để tái khởi động việc khai thác tại các mỏ chung nằm giữa hai nước, với công suất 500.000 thùng/ngày, có thể tăng thêm nguồn cung dầu trên thị trường toàn cầu.