Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu tăng 1% nhờ kỳ vọng thỏa thuận giảm sản lượng kéo dài đến năm 2019

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong ngày 23/3, giá năng lượng tăng hơn 1% sau khi Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Saudi kêu gọi các nước trong và ngoài Tổ chức Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến năm 2019.

Đà tăng giá trên thị trường dầu thế giới trái ngược với xu hướng chung trên thị trường chứng khoán toàn cầu, khi các chỉ số chủ chốt đồng loạt lao dốc do những lo ngại về cuộc chiến trang thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Vàng, vốn được xem là kênh trú ẩn an toàn của nhà đầu trong thời điểm kinh tế bất ổn, đã tăng lên mức cao nhất của 2 tuần trong phiên giao dịch ngày 23/3. 
Giá dầu tăng 1% trong ngày 23/3.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22/3 đã ký sắc lệnh có thể áp đặt thuế quan lên 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Đáp lại động thái mới này, ngày 23/3 Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh sẽ áp thuế đánh vào 3 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Cụ thể, giá dầu thô kỳ hạn WTI của Mỹ giao dịch ở mức 64,95 USD/thùng, tăng 65 xu Mỹ, hay 1% so với đóng cửa phiên trước. Trong khi đó, dầu thô Brent kỳ hạn ở mức 69,51 USD/thùng, tăng 60 xu Mỹ, tương đương 0,9% so với phiên trước đó. Trong tuần, dầu Brent đã tăng khoảng 5%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2017, và  dầu ngọt nhẹ WTI tăng khoảng 4,2%.
Động lực tăng giá dầu trong phiên này là nhờ phát biểu của Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Saudi Khalid al-Falih khẳng định OPEC sẽ tiếp tục hợp tác với Nga cũng như các nhà sản xuất dầu chủ chốt khác để hạn chế nguồn cung đến năm 2019 nhằm giảm lượng tồn kho toàn cầu.
Ngày 22/3, Bộ trưởng Khalid al-Falih cho biết các nước trong và ngoài OPEC cùng với Nga cần phải tiếp tục thực hiện hiệu quả thỏa thuận cắt giảm sản lượng để hạn chế nguồn cung trên thị trường toàn cầu đến năm 2019.
Các nước trong và ngoài OPEC cũng Nga đã nhất trí thực hiện việc cắt giảm 1,8 triệu thùng/ngày từ đầu tháng 1/2017 để hạn chế tình trạng dư thừa nguồn cung nhằm tái cân bằng thị trường dầu. Thỏa thuận cắt giảm sản lượng này có thể hết hạn vào cuối năm nay, nhưng Ả Rập Saudi dường như đang muốn kéo dài.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters (Anh), ông Falih cho biết: “Chúng dự định sẽ xem xét lại thỏa thuận cắt giảm vào giữa năm nay khi chúng tôi nhóm họp tại Vienna. Chúng tôi cũng hy vọng vào cuối năm nay sẽ xác định cơ chế điều hành sản xuất dầu của OPEC trong năm 2019”.
Mặc dù đưa ra nhận định mối quan hệ thương mại căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tác động tới các thị trường dầu mỏ, tuy nhiên đa số các nhà phân tích đều đánh giá nhu cầu dầu toàn cầu  vẫn ở mức cao.
Ngân hàng Morgan Stanley cũng cho biết sự phục hồi nhu cầu theo mùa trong những tháng tới và căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông vẫn sẽ là các yếu tố chính hỗ trợ giá "vàng đen" trong dài hạn.
Ngân hàng Mỹ này cho biết mức tồn kho toàn cầu đã ở mức đáy 5 năm. "Với lượng dầu tồn kho giảm mạnh, giá năng lượng dường như nhạy cảm hơn với các yếu tố căng thẳng địa chính trị. Có đủ lý do để dự báo giá dầu tiếp tục đi lên và chúng tôi dự kiến giá dầu Brent sẽ ở mức 75 USD/thùng trong quý III năm nay”, Ngân hàng Morgan Stanley cho biết.