Cụ thể, giá dầu Brent tăng 2% lên mức 59,48 USD/thùng sau khi lần lượt giảm 2,1% và 3% trong phiên 15/8 và phiên trước đó. Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng nhích hơn 2% lên 55,60 USD/thùng. Giá mặt hàng dầu này cũng hạ 1,4% trong phiên 15/8 và mất 3,3% ở phiên 14/8.
Theo số liệu thống kê chính thức, doanh số bán lẻ của Mỹ đã tăng 0,7% trong tháng 7/2019 khi bối cảnh người tiêu dùng nước này đẩy mạnh chi tiêu cho một loạt các mặt hàng dù cắt giảm việc mua sắm phương tiện cơ giới.
Thông tin này được đưa ra chỉ một ngày sau khi đường cong lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đảo ngược lần đầu tiên kể từ tháng 6/2007, điều này khiến nhà đầu tư đẩy mạnh bán tháo các tài sản rủi ro, gồm cổ phiếu và dầu mỏ.
Đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ đã lần đầu tiên đảo chiều trong phiên ngày 14/8 kể từ năm 2007, dấu hiệu cho thấy giới đầu tư lo ngại nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đang tiến đến suy thoái.
Nhà phân tích thị trường cấp cao Jeffrey Halley của công ty tư vấn tài chính OANDA nhận xét: “Sự khởi sắc của giá dầu dường như mới chỉ là một sự tự điều chỉnh của thị trường, thay vì là cơ sở cho sự phục hồi sắp diễn ra”.
Theo nhà phân tích Halley, nói chung, những số liệu kinh tế tích cực của Mỹ tiếp tục là một điểm sáng trong bức tranh “u ám” của kinh tế toàn cầu.
Thị trường chứng khoán thế giới cũng tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 16/8 khi nhà đầu tư gia tăng kỳ vọng vào việc nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh hơn của các ngân hàng trung ương để giảm bớt những lo ngại về tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại.
Đà tăng của giá dầu trong phiên này cũng bị hạn chế phần nào sau khi một loạt số liệu không mấy lạc quan của các nền kinh tế lớn được công bố trong tuần này. Đặc biệt, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng với tốc độ yếu nhất trong 17 năm và tăng trưởng kinh tế Đức giảm tốc trong quý II/2019 do hoạt động xuất khẩu sụt giảm thê thảm.
Tuy nhiên, tính từ đầu năm tới nay, giá dầu Brent vẫn tăng 10% nhờ kế hoạch cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, dẫn đầu là Nga, còn được gọi là Nhóm OPEC+. Hồi đầu tháng 7 vừa qua, OPEC+ đã đồng ý tiếp tục kéo dài kế hoạch trên cho tới tháng 3/2020 để đẩy giá dầu đi lên.
Một quan chức từ Ả Rập Saudi vừa tiết lộ rằng nhà lãnh đạo thực tế của OPEC đã cam kết thực hiện tất cả những giải pháp cần thiết để giữ cho thị trường dầu mỏ cân bằng vào năm tới.
Những nỗ lực siết chặt nguồn cung dầu của OPEC đã bị giảm hiệu quả do những lo ngại về nền kinh tế toàn cầu giảm tốc trong bối cảnh tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang kéo dài, cũng như các kho dự trữ dầu thô và sản lượng dầu đá phiến của Mỹ liên tục tăng cao.