Giá dầu Brent leo dốc mạnh trong phiên giao dịch ngày 3/6, đạt mức cao nhất kể từ tháng 3 trong bối cảnh nhà đầu tư lạc quan vào việc các nước tiếp tục giảm sản xuất và kinh tế hồi phục sau đại dịch Covid-19.
Cụ thể, giá dầu Brent giao tháng 8 hiện tăng 1,82% lên 40,29 USD/thùng. Giá mặt hàng dầu này lần đầu tiên vượt mốc 40 USD/thùng kể từ ngày 6/3, giá dầu này vượt mốc 40 USD.
Trong khi đó, giá dầu thô WTI của Mỹ cũng leo dốc 2,3% lên 37,6 USD/thùng. Có thời điểm trong phiên giao dịch, giá dầu WTI đã nhảy vọt lên tới 38,18 USD - mức cao nhất kể từ đầu tháng 3.
Chuyên gia năng lượng Stephen Brennock của công ty môi giới dầu mỏ PVM cho biết Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, dẫn đầu là Nga, hay còn gọi là OPEC+, được dự đoán sẽ nhất trí duy trì các mức sản lượng hiện tại thêm 2 tháng nữa.
Bên cạnh đó, thị trường nhiên liệu cũng dự đoán việc mở cửa trở lại các nền kinh tế trên toàn thế giới sẽ làm gia tăng nhu cầu, qua đó giúp cung cầu có thể cân bằng vào tháng 8 tới.
Cả hai loại dầu này đều tăng mạnh trong vài tuần gần đây so với đáy tháng 4, nhờ kinh tế Trung Quốc hồi phục và các quốc gia khác cũng đang dần mở cửa trở lại.
Triển vọng nhu cầu hiện sáng sủa hơn khi các nền kinh tế, trong đó có Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới - bắt đầu hồi phục sau cuộc khủng hoảng dịch bệnh. Lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc cũng đã tăng trưởng trở lại sau 5 tháng.
Hiện nhóm OPEC+ đang thảo luận duy trì việc cắt giảm này thêm từ 1 đến 2 tháng, đồng thời xem xét tổ chức cuộc họp trực tuyến vào ngày 4/6 tới để thảo luận tình hình thị trường năng lượng và kết quả bước đầu của thỏa thuận cắt giảm sản lượng sau khi Bộ trưởng Năng lượng Algeria kiêm Chủ tịch Hội nghị OPEC Mohamed Arkab đề xuất chuyển cuộc họp cấp bộ trưởng OPEC+ từ ngày 9-10/6 thành ngày 4/6.
Reuters trích lời một nguồn tin thân cận cho biết nhóm OPEC+ có thể gia hạn việc cắt giảm 9,7 triệu thùng một ngày đến tháng 7 hoặc 8. Theo thỏa thuận hiện tại, mức cắt giảm sản xuất 9,7 triệu thùng/ngày chỉ áp dụng trong tháng 5 và 6. Từ tháng 7-12, mức này sẽ về 7,7 triệu thùng mỗi ngày. Tuy nhiên, Ả Rập Saudi vẫn đang thúc giục các nước gia hạn thỏa thuận giảm nguồn cung đạt được từ tháng 4.
"Các thương nhân kỳ vọng các nước sản xuất dầu chủ chốt nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng để kéo giá dầu lên cao", Avtar Sandu - Giám đốc cấp cao tại Phillip Futures cho biết.
Dù vậy, thời gian diễn ra cuộc họp này chưa được quyết định. Một số thành viên OPEC+ kêu gọi tổ chức ngay đầu tuần. Tuy nhiên, chưa có quyết định nào được đưa ra.
Capital Economics dự báo tiêu thụ dầu toàn cầu năm nay vào khoảng 92 triệu thùng/ngày. Con số này thấp hơn so với 100,2 triệu thùng năm 2019 - trước khi đại dịch xuất hiện.
Trong một dấu hiệu cho thấy thị trường dầu mỏ đang dần tái cân bằng, Viện Xăng dầu Mỹ (API) cho biết lượng dầu dự trữ tại kho chứa Cushing, bang Oklahoma đã giảm khoảng 2,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 29/5, và là tuần giảm thứ tư liên tiếp. Dự kiến, Chính phủ Mỹ sẽ công bố dữ liệu chính thức trong ngày 3/6.
Số liệu tồn kho dầu Mỹ cũng sẽ được công bố trong ngày 3/6. Giới phân tích dự báo con số này sẽ vẫn cao và tăng tuần thứ hai liên tiếp.