Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu tăng do lo ngại căng thẳng Trung Đông leo thang

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Căng thẳng leo thang ở Trung Đông đã thúc đẩy hoạt động mua dầu, nhưng mức tăng bị hạn chế bởi những lo ngại dai dẳng về nhu cầu suy yếu ở Trung Quốc, theo giới phân tích.

Thị trường dầu đã có phiên giao dịch tăng giá hôm 29/7, do lo ngại về một cuộc xung đột lan rộng ở Trung Đông sau cuộc tấn công bằng tên lửa ở Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát, mà Israel và Mỹ đổ lỗi cho nhóm vũ trang Hezbollah.

Ảnh chụp từ trên không các bồn chứa dầu của công ty vận hành đường ống dẫn dầu Transneft tại nhà ga dầu thô Kozmino trên bờ Vịnh Nakhodka gần thành phố cảng Nakhodka, Nga. Ảnh: Reuters
Ảnh chụp từ trên không các bồn chứa dầu của công ty vận hành đường ống dẫn dầu Transneft tại nhà ga dầu thô Kozmino trên bờ Vịnh Nakhodka gần thành phố cảng Nakhodka, Nga. Ảnh: Reuters

Cụ thể, giá dầu thô tương lai Brent tăng 33 cent, tương đương 0,4%, lên 81,46 USD/thùng. Giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 23 cent, tương đương 0,3%, lên 77,39 USD/thùng.

Tuần trước, giá dầu Brent giảm 1,8% trong khi WTI giảm 3,7% do nhu cầu từ Trung Quốc lao dốc, đồng thời kỳ vọng gia tăng về một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza.

Hôm 28/7, nội các an ninh của Israel đã ủy quyền cho chính phủ Thủ tướng Benjamin Netanyahu quyết định về "cách thức và thời điểm" ứng phó với cuộc tấn công bằng tên lửa vào hôm 27/7 ở Cao nguyên Golan khiến 12 thanh thiếu niên và trẻ em thiệt mạng.

Lực lượng Hezbollah đã phủ nhận trách nhiệm về vụ tấn công - được coi là đẫm máu nhất ở Israel kể từ khi cuộc xung đột vào ngày 7/10/2023 dẫn đến chiến sự tại Gaza. Cuộc xung đột đã lan sang nhiều mặt trận và có nguy cơ chuyển hướng sang khu vực rộng lớn hơn.

Israel đã tuyên bố trả đũa Hezbollah ở Lebanon và máy bay phản lực của Israel đã tấn công các mục tiêu ở miền Nam Lebanon vào hôm 28/7.

"Lo ngại về căng thẳng leo thang ở Trung Đông đã thúc đẩy hoạt động mua dầu mới, nhưng mức tăng bị hạn chế bởi những lo ngại dai dẳng về nhu cầu suy yếu ở Trung Quốc", Toshitaka Tazawa, một nhà phân tích tại Fujitomi Securities cho biết.

Trong vài tuần qua, hy vọng về một lệnh ngừng bắn ở Gaza đã tăng lên.

Tuy nhiên Israel muốn thay đổi kế hoạch ngừng bắn ở Gaza và Hamas thả con tin, làm phức tạp thêm một thỏa thuận nhằm chấm dứt 9 tháng giao tranh đã tàn phá vùng đất này, theo một quan chức phương Tây, Reuters dẫn nguồn tin Palestine và hai nguồn tin Ai Cập cho biết. 

Về nguồn cầu, dữ liệu công bố đầu tháng này cho thấy tổng lượng dầu nhiên liệu nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm 11% trong nửa đầu năm 2024 đã làm dấy lên lo ngại về triển vọng nhu cầu từ nền kinh tế lớn châu Á - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

"Mối lo ngại về nhu cầu vẫn là yếu tố chính gây sức ép lên giá dầu thô. Tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc chững lại trong quý II/2024, trong khi nhu cầu tiêu dùng trong nước chưa khởi sắc", nhà phân tích thị trường độc lập Tina Teng cho biết.

Chuyên gia này cũng cho biết thêm rằng quyết định về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và PMI sản xuất của Trung Quốc sẽ là những chỉ báo quan trọng tiếp theo đối để đánh giá quỹ đạo của thị trường dầu mỏ trong thời gian tới.

Trong khi đó, các công ty năng lượng Mỹ tuần trước báo cáo gia tăng số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên trong tuần thứ hai liên tiếp, thúc đẩy số liệu này có mức tăng hàng tháng cao nhất kể từ tháng 11/2022. 

Thị trường cũng đang theo dõi nhà sản xuất dầu Venezuela, sau khi cơ quan bầu cử của nước này cho biết Tổng thống Nicolas Maduro đã giành được nhiệm kỳ thứ ba với 51% số phiếu bầu mặc dù nhiều cuộc thăm dò ý kiến ​​cử tri chỉ ra rằng phe đối lập sẽ giành chiến thắng.

Mỹ đã tuyên bố sẽ "điều chỉnh" chính sách trừng phạt đối với Venezuela tùy thuộc vào diễn biến của cuộc bầu cử có nhiều rủi ro tại quốc gia thành viên OPEC này.