Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu tăng mạnh do việc trung chuyển dầu từ Canada tới Mỹ bị gián đoạn

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/11, giá dầu thế giới leo dốc 1-2% nhờ lượng dự trữ dầu thô của Mỹ giảm do hoạt động trung chuyển dầu từ Canada tới Mỹ bị gián đoạn và dự đoán Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có thể sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến hết năm 2018.

Giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ WTI giao dịch ở mức 57,96 USD/thùng, tăng 1,13 USD, tương đương 2% so với đóng cửa phiên trước. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 73 xu Mỹ, khoảng 1,2%, lên mức 63,30 USD/thùng.
Kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm khoảng 6,4 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 17/11.
Giá “vàng đen” phục hồi mạnh trong phiên trong bối cảnh hoạt động trung chuyển dầu từ Canada tới Mỹ bị gián đoạn, khiến dự trữ dầu thô tại Mỹ sụt giảm, và gia tăng kỳ vọng về việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC.
Các nhà giao dịch đánh giá giá dầu đi lên là nhờ nguồn cung dầu thô từ Canada đến Mỹ sụt giảm. Tập đoàn TransCanada thông báo sẽ giảm hoạt động trung chuyển của đường ống dẫn dầu Keystone ít nhất 85% trong tổng công suất chuyên chở 590.000 thùng/ngày đến cuối tháng này.
Đường ống dẫn dầu Keystone, đưa dòng dầu từ các mỏ dầu cát từ tỉnh Alberta đến các nhà máy lọc dầu của Mỹ, đã phải đóng cửa cuối tuần trước do sự cố rỏ rỉ dầu trên đường ống này tại khu vực bang Nam Dakota, làm mất khoảng 5.000 thùng dầu. 
Ngoài ra, thị trường dầu toàn cầu cũng được hỗ trợ tích cực nhờ báo cáo hàng tuần từ Viện Xăng dầu Mỹ cho thấy kho dự trữ dầu thô của nước này đã giảm khoảng 6,4 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 17/11.
Nỗ lực của OPEC trong việc hạn chế sản lượng nhằm chấm dứt tình trạng dư cung trên toàn cầu cũng đã phát huy hiệu quả giúp giá dầu phục hồi. Thỏa thuận cắt giảm sản lượng dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 3/2018.
Các nước thành viên OPEC và một số quốc gia sản xuất dầu chủ chốt khác, trong đó có Nga, sẽ nhóm họp tại Vienna vào ngày 30/11 tới để xem xét việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Dự kiến, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ công bố số liệu chính thức về sản lượng và dự trữ dầu của nước này vào cuối ngày 22/11. Theo khảo sát của S&P Global Platts, EIA sẽ công bố tồn kho dầu thô giảm 2,1 triệu thùng trong tuần trước.
Số liệu ngành dầu mỏ của Mỹ có thể tác động đến quyết định của OPEC về việc có gia hạn thỏa thuận này hay không. Sản lượng tăng đều ở Mỹ và tồn kho dầu thô tăng đã trở thành mối quan ngại chính của các nước sản xuất dầu khác.
Theo Tyler Richey, đồng chủ bút của tờ Sevens Report, có nghi ngờ cho thấy OPEC sẽ không đạt được đồng thuận gia hạn thỏa thuận đến hết năm 2018. Việc gia hạn thỏa thuận đến hết năm sau đã được phản ánh vào giá năng lượng.
Nếu thỏa thuận này không được gia hạn, dù là đến tháng 6/2018, hoặc nếu quyết định bị hoãn lại, thì giá dầu sẽ giảm nhẹ, theo Brian Youngberg, chuyên gia phân tích năng lượng cấp cao tại Edward Jones.
Ngân hàng J.P.Morgan nhận định rằng thị trường dầu sẽ cân bằng trở lại trong năm 2018 khi  thỏa thuận cắt giảm sản lượng được gia hạn, còn nếu điều đó không xảy ra, thị trường sẽ rơi vào tình trạng dư thừa nguồn cung.
Ngân hàng này dự báo giá dầu Brent có thể được giao dịch ở mức trung bình 58 USD/thùng trong năm 2018, còn dầu WTI ở mức trung bình 54,6 USD/thùng.