Thị trường dầu thế giới giao dịch khởi sắc trong phiên này cũng nhờ được hỗ trợ từ việc cam kết cắt giảm sản lượng nhằm đảm bảo cân đối nguồn cung – cầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, dẫn đầu là Nga, được gọi là nhóm OPEC+.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 16 xu Mỹ, tương đương 0,2%, lên 67,36 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI nhích 20 xu Mỹ, tương đương 0,3%, lên mức 61,31 USD/thùng.
Giá dầu leo dốc mạnh trong những phiên gần đây khi các nhà giao dịch lạc quan về triển vọng nhu cầu dầu đi lên sau khi Mỹ và Trung Quốc nhất trí về thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 hồi đầu tháng này. Theo thỏa thuận này, Mỹ dự kiến sẽ giảm một số thuế quan, đổi lại Trung Quốc sẽ nhập khẩu nhiều hàng hóa nông sản của Mỹ hơn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24/12 cho biết, ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai nước.
Phát biểu với báo giới ngày 24/12, Tổng thống Trump thông báo, sẽ có một buổi lễ ký kết vào tháng 1 và ông và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ ký thỏa thuận này một cách nhanh chóng. Theo ông Trump, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai nước đã hoàn tất và hiện đang được chuyển ngữ.
“Giá dầu tiếp tục chứng tỏ đà phục hồi mạnh trong tháng cuối cùng năm 2019 nhờ được hỗ trợ từ việc Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận thương mại và quyết định cắt giảm sản lượng sâu hơn của nhóm OPEC+, hạn chế ảnh hưởng từ việc bùng nổ dầu đá phiến của Mỹ”- ông Stephen Innes, giám đốc chiến lược thị trường châu Á tại AxiTrader nhận xét.
“Dấu hiệu khởi sắc trong tháng 12 này đang dự báo tín hiệu tích cực đối với thị trường dầu mỏ trong quý I//2020, trái ngược với những nhận định của các nhà phân tích trước đó 2 tháng”.
Bên cạnh lạc quan về thương mại, đà leo dốc mạnh của giá “vàng đen” chủ yếu nhờ được hỗ trợ từ quyết định tiếp tục cắt giảm sản xuất OPEC+ khi đầu tháng này đã nhất trí cắt giảm sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày từ 1/1/2020.
Dẫu vậy, thị trường năng lượng có thể vẫn chịu áp lực về nguồn cung tăng mạnh trong dài hạn. Sản lượng dầu mỏ từ các nước ngoài OPEC trên thế giới dự kiến sẽ tăng trong năm 2020 do sản lượng từ các nước như Mỹ, Brazil, Na Uy và Guyana tăng mạnh.
Ngoài ra, Kuwait cho hay cuộc tranh chấp kéo dài với Ả Rập Saudi liên quan đến khu vực Neutral Zone sẽ được giải quyết vào cuối năm 2019, theo đó dự kiến nguồn cung dầu thế giới có thể tăng lên trong vài tháng tới. Sản lượng tại hai mỏ dầu ở khu vực Neutral Zone đã bị sụt khoảng 500.000 thùng/ngày trong hơn 3 năm qua.
Các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ, quốc gia không tham gia thỏa thuận OPEC+, đã đẩy mạnh khai thác trong những năm gần đây, làm hạn chế hiệu quả của việc cắt giảm nguồn cung dầu của các nước trong và ngoài OPEC.
Tuy nhiên, hiện đã có xuất hiện những dấu hiệu cho thấy, trong năm 2020, tốc độ tăng trưởng của dầu đá phiến Mỹ sẽ chậm lại, thậm chí là suy giảm. Các công ty khai thác dầu độc lập nhỏ, vốn thống trị lĩnh vực này, hiện đang gặp khó khăn trong việc huy động tiền và cố gắng tạo ra dòng tiền tự do ổn định.
Một số nhà phân tích dự báo dầu đá phiến của Mỹ sẽ tăng trưởng trong nửa đầu năm tới, nhưng sau đó không tăng hoặc giảm, dẫn đến khả năng sản lượng không thay đổi đáng kể trong cả năm tới. Công ty nghiên cứu Rystad Energy ước tính rằng đầu tư vào ngành công nghiệp dầu đá phiến trong năm nay giảm khoảng 6%, xuống còn 129 tỷ USD và dự báo sẽ giảm thêm 11% trong năm 2020 - mặc dù sản lượng dự kiến sẽ tăng nhẹ./.