Trong phiên giao dịch này, giá dầu thô thế giới đi lên sau khi Ả Rập Saudi - nhà lãnh đạo thực tế của OPEC và là nước xản xuất dầu mỏ lớn nhất của tổ chức này, hôm 7/6 cho biết OPEC gần như đã nhất trí về việc kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng sau khi hiệp ước hết hạn vào cuối tháng này.
Các nước OPEC và các nước sản xuất dầu chủ chốt khác, bao gồm Nga, còn được gọi là Nhóm OPEC+, đã thực hiện cắt giảm khoảng 1,2 triệu thùng dầu/ngày từ đầu năm nay để hạn chế tình trạng dư cung nhằm đẩy giá dầu đi lên.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid al-Falih ngày 10/6 cho biết hiện Nga là nhà xuất khẩu dầu duy nhất vẫn chưa quyết định về thỏa thuận cắt giảm sản xuất của Nhóm OPEC+, vì Moscow đang xem xét liệu việc giảm sản lượng có tạo điều kiện để Mỹ chiếm thị phần dầu mỏ của Nga hay không.
Cụ thể, giá dầu Brent tăn 13 xu Mỹ, tương đương 0,21%, lên mức 63,42 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng nhích 20 xu Mỹ, khoảng 0,37% lên mức 54,19 USD/thùng.
Ngoài ra, giá “vàng đen” cũng nhận được lực đẩy từ việc Mỹ ngừng “vô thời hạn” việc tăng thuế với hàng hóa của Mexico từ ngày 10/6.
Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard hôm 8/6 thông báo nước này và Mỹ đã đạt được một thỏa thuận về di cư nhằm tránh việc Washington áp thuế nhập khẩu với hàng hóa Mexico đã ngăn chặn một cuộc chiến thương mại và đây cũng là một tín hiệu tốt cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, qua đó hỗ trợ thị trường dầu mỏ.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng thị trường năng lượng vẫn chịu áp lực trong dài hạn khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy thoái do tác động tiêu cực của các căng thẳng thương mại, đặc biệt xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài.
Chiến lược gia dầu mỏ Harry Tchilinguirian của BNP Paribas cho biết, Mỹ và Trung Quốc chiếm khoảng 3/4 mức tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu hàng năm trong năm 2018. “Theo quan điêm của chúng tôi, nếu tranh chấp thương mại Trung - Mỹ không sớm được giải quyết dứt điểm, giá dầu giao ngay sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp”, nhà chiến lược Tchilinguirian cho hay.
Ngân hàng Barclays hồi tuần trước nói rằng Mỹ và Trung Quốc cùng với Ấn Độ và Brazil chiếm hơn 3/4 tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ được dự báo cho năm nay. Ngân hàng Barclays cũng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm 2019 giảm khoảng 300.000 thùng/ngày, xuống còn 1,3 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, ngân hàng Morgan Stanley cũng hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm 2019 từ mức 1,2 triệu thùng/ngày xuống còn 1 triệu thùng, đồng thời cũng cắt giảm mức dự báo giá Brent trong nửa cuối năm 2019 xuống còn 65 - 70 USD/thùng, thấp hơn nhiều mức dự báo trước đó khoảng 75-80 USD.
Số liệu của Hài quan Trung Quốc công bố hôm 10/6 cho biết nhập khẩu dầu của Trung Quốc trong tháng 5 vừa qua đã giảm xuống 40,23 triệu tấn (tương đương 9,47 triệu thùng dầu/ngày), so với mức cao kỷ lục 43,73 triệu tấn trong tháng 4.