Trong phiên giao dịch này, thị trường dầu mỏ nhận được sự hỗ trợ từ lo ngại nguồn cung bị gián đoạn trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Trung Đông làm “lu mờ” ảnh hưởng của tồn kho dầu thô của Mỹ.
Số liệu thống kê của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho hay dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2017, khi tăng thêm 5,4 triệu thùng, ngược với dự báo giảm 800.000 thùng của các nhà phân tích trước đó.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 53 xu Mỹ, lên mức 72,30 USD/thùng. Giá mặc hàng dầu này đang được dự báo đạt mức tăng hàng tuần lớn nhất trong 6 tuần.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI cũng nhích 47 xu Mỹ, lên mức 62,49 USD/thùng.
Theo các nhà phân tích, giá “vàng đen” tiếp tục leo dốc do được hỗ trợ từ nguy cơ xung đột leo thang tại Trung Đông. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 15/5 đã yêu cầu các nhân viên chính phủ không làm nhiệm vụ khẩn cấp tại Đại sứ quán nước này ở Baghdad và Lãnh sự quán ở Erbil rời khỏi Iraq .
Trong một tuyên bố, Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad cho biết, các dịch vụ liên quan đến thị thực thông thường tại cả hai cơ quan này sẽ tạm thời bị ngừng, đồng thời Chính phủ Mỹ hạn chế cung cấp các dịch vụ khẩn cấp cho công dân Mỹ tại Iraq.
“Dường như giá dầu đang có xu hướng tăng lên ngưỡng từ 70 - 73 USD/thùng trong các phiên gần đây do tình hình căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông đang khiến các nhà đầu tư lo lắng” - ngân hàng Citi lưu ý với khách hàng hôm 16/5.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói với Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javid Zarif rằng ông lo ngại tình hình ở Trung Đông đã "trở nên rất căng thẳng".
Ngoài ra, giá dầu cũng nhận được lực đẩy quan trọng từ việc nguồn cung trên thị trường đang có dấu hiệu được siết chặt hơn.
Tình trạng nguồn cung sụt giảm từ Iran và Venezuela, 2 thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), do lệnh trừng phạt của Mỹ cũng làm sâu sắc hơn tác động của chương trình cắt giảm sản lượng của OPEC và các nước đồng minh, dẫn đầu là Nga.
Một nhân tố khác tác động tích cực đến giá dầu là dự đoán của OPEC rằng nhu cầu của thế giới về dầu mỏ của tổ chức này trong năm nay sẽ cao hơn dự kiến.
Các nhà giao dịch dầu đang chờ đợi xem liệu các nước OPEC cùng các nước sản xuất dầu chủ chốt khác, bao gồm Nga, còn được gọi là Nhóm OPEC+, có tiếp tục gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng, đang được thực hiện từ đầu năm đã giúp giá dầu phục hồi hơn 30% kể từ đầu năm đến nay.
Dự kiến, nhóm OPEC+ sẽ tổ chức cuộc họp để thảo luận về chính sách sản lượng vào cuối tháng 6 tới để xem xét liệu có nên duy trì hiệp ước sau khi hết hiệu lực.