Giá dầu chịu áp lực đầu phiên giảm nhẹ sau khi một báo cáo cho thấy chính quyền Mỹ đã yêu cầu Ả Rập Saudi và các nhà xuất khẩu dầu mỏ quan trọng khác gia tăng sản lượng dầu thêm nữa.
Trước đó, hãng Bloomberg đưa tin Chính phủ Mỹ đã yêu cầu nhiều nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới tăng sản lượng dầu mỏ khai thác thêm khoảng 1 triệu thùng/ngày.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 7 tại sàn Nymex tăng 77 xu Mỹ, tương ứng 1,2%, lên 65,52 USD/thùng. |
Chốt phiên ngày 5/6, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 7 tại sàn Nymex tăng 77 xu Mỹ, tương ứng 1,2%, lên 65,52 USD/thùng. Còn giá dầu Brent giao tháng 8 trên sàn London tăng 9 xu Mỹ, tương ứng 0,1%, lên 75,38 USD/thùng. Trước đó, dầu Brent đã có lúc giảm xuống 73,81 USD/thùng, mức giá thấp nhất kể từ ngày 8/5. Cả 2 loại dầu này đều giảm giá trong 3 phiên trước.
Nguồn cung dầu từ OPEC có xu hướng ảnh hưởng trực tiếp đến giá dầu Brent, trong khi giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ được gắn chặt hơn với nguồn cung dầu của Mỹ
Bên cạnh đó, quyết định tái áp đặt lệnh trừng phạt của Mỹ đối với xuất khẩu dầu mỏ của Iran cũng có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu toàn cầu. Sản lượng khai thác dầu thô của Iran có thể giảm 1 triệu thùng/ngày do các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ.
Các nước trong và ngoài OPEC, bao gồm cả Nga, đã bắt đầu thảo luận về việc tăng sản lượng khai thác dầu mỏ, thêm khoảng 1 triệu thùng/ngày.
Fawad Razaqzada, chuyên gia phân tích tại Forex.com, cho biết: "Giá dầu đã giảm mạnh trong vòng 2 tuần qua sau khi Ả Rập Saudi phát tín hiệu về khả năng OPEC và một số nước phi thành viên khác, dẫn đầu là Nga, sẽ tăng sản lượng vào nửa cuối năm nay".
Giới đầu tư đang tập trung chú ý vào cuộc họp của OPEC sẽ diễn ra vào ngày 22/6/2018. Dự kiến, OPEC và các nước sản xuất dầu lớn khác có thể sẽ quyết định nâng tăng sản lượng để “hạ nhiệt” thị trường dầu mỏ.
Do đó, nhà đầu tư đã đẩy mạnh bán ra dầu trước khi cuộc gặp của OPEC diễn ra vào ngày 22/6 tại Vienna . “Thị trường tin rằng tổ chức này sẽ thu hẹp mức cắt giảm sản lượng tại cuộc họp này”, chuyên gia Razaqzada nói thêm.
OPEC và khoảng 10 nước do Nga đứng đầu đã quyết định cắt giảm sản lượng khoảng 1,8 triệu thùng dầu/ngày từ đầu năm 2017 nhằm giảm lượng dư cung trên thị trường đẩy giá dầu đi lên.
Tại cuộc gặp sắp tới, OPEC và 10 nước phi thành viên vẫn sẽ tiếp tục hợp tác để tránh cho giá dầu lao dốc như hồi năm 2014, chuyên gia này dự báo.
Tuy nhiên, trước rủi ro nguồn cung từ Iran và Venezuela có thể giảm, các nước có thể điều chỉnh lại thỏa thuận để một số nước, đặc biệt là là Ả Rập Saudi và Nga, có thể tăng sản lượng để bù vào lượng dầu bị thiếu hụt, chuyên gia Razaqzada nhận định.