Giá dầu thế giới chứng kiến chuỗi quý tăng dài nhất kể từ cuối năm 2010

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường “vàng đen” phục hồi mạnh trong tháng 3 với giá dầu ngọt nhẹ WTI nhích 5,6% và dầu Brent vọt 8,6%, kết thúc quý I tăng thứ ba liên tiếp trong bối cảnh một số diễn biến địa chính trị có lợi cho giá dầu.

Tuần qua, giá dầu giảm liền trong 3 phiên do hoạt động bán ra chốt lời của các nhà đầu tư. Trong phiên 26/3, giá dầu thô thế giới đi xuống khi các nhà đầu tư tiến hành bán chốt lời sau một tuần leo dốc mạnh. Tuần trước, giá dầu Brent và WTI đã tăng lần lượt 6,4% và 5,7%, mức tăng hàng tuần mạnh nhất kể từ tháng 7/2017.
Giá dầu phục hồi mạnh trong tháng 3 với giá dầu ngọt nhẹ WTI nhích 5,6% và dầu Brent vọt 8,6%.
Sang phiên giao dịch ngày 27/3, giá dầu tiếp tục đi xuống do các nhà đầu tư vẫn đẩy mạnh hoạt động bán ra. Theo các nhà phân tích, thị trường dầu mỏ phiên này chịu áp lực bán ra do giới đầu tư đã thu được lợi nhuận trong các phiên trước đó.
Giá năng lượng duy trì đà mất giá trong phiên giao dịch ngày 28/3 do dự trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho hay dự trữ dầu thô của nước này đã tăng thêm 1,6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 23/3, cao hơn dự đoán  của thị trường. Lượng dự trữ dầu cũng tăng 1,8 triệu thùng tại trung tâm phân phối dầu mỏ ở Cushing, Oklahoma.
Chỉ sang phiên 29/3, giá “vàng đen” mới tăng trở lại cùng với đà phục hồi trên thị trường chứng khoán toàn cầu. Chốt phiên, Giá dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 5 tăng 56 xu Mỹ, tương đương 0,9%, lên mức 64,94 USD/thùng tại thị trường New York. Tính chung trong tuần, giá dầu này giảm 1,4% nhưng tăng 5,6% trong cả tháng 3 và nhích khoảng 7,7% trong 3 tháng đầu năm nay.
Giá dầu Brent giao tháng 5 tăng 74 xu Mỹ, tương đương 1,1%, lên mức 70,27 USD/thùng tại thị trường London. Giá mặt hàng dầu này giảm 0,3% trong tuần, nhưng tăng 8,6% từ đầu tháng và 6,3% trong quý I. Giá dầu đi lên do nhận được sự hỗ trợ tích cực từ một số diễn biến địa chính trị căng thẳng tại Iran, kết thúc quý I tăng thứ 3 liên tiếp. Thị trường đóng cửa nghỉ lễ trong phiên 30/3. Mức giá hiện nay đã tăng khoảng 50% so với giai đoạn tháng 6/2017.
Giá dầu Brent giao tháng 5 lại vượt mốc 70 USD/thùng giữa lo ngại Mỹ có thể rút khỏi thỏa thuận quốc tế đạt được năm 2015 nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Iran, và sẽ áp lệnh trừng phạt kinh tế mới đối với Tehran, đe dọa gián đoạn nguồn cung dầu toàn cầu.
Ngoài ra, các chuyên gia phân tích cho rằng việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang xem xét thay đổi mục tiêu tồn kho dầu thô từ mức trung bình 5 năm sang mức trung bình 7 năm nhằm đẩy giá dầu đi lên.
Giá dầu có chuỗi quý tăng dài nhất kể từ cuối năm 2010.
OPEC và một số nước sản xuất dầu chủ chốt khác, dẫn đầu là Nga, đã giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày kể từ tháng 1/2017 so với mức trung bình 5 năm gần nhất nhằm hạn chế tình trạng dư cung toàn cầu. Tuy nhiên, các thành viên OPEC vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về giá mục tiêu. Ả Rập Saudi muốn giá tăng trên mức 70 USD/thùng, còn Iran lại muốn giá dầu chỉ ở quanh mức 60 USD/thùng để kìm chế các công ty dầu đá phiến Mỹ.
Việc sản lượng dầu từ Venezuela giảm mạnh, do tác động của khủng hoảng kinh tế, đang giúp OPEC đạt được mục tiêu của mình. Tuy vậy, việc một số nước thành viên OPEC như Nigeria và Libya có thể tăng sản lượng cũng khiến hiệu ứng này mất đi.
Sản lượng dầu thô từ bên ngoài khối này, nhất là Mỹ, vẫn là một mối lo ngại lớn, mặc dù Baker Hughes ngày 29/3 cho biết số giàn khoan đang hoạt động ở Mỹ giảm 7 chiếc xuống còn 797 chiếc trong tuần này.
Sản lượng khai thác dầu của Mỹ đã tăng gần 25% kể từ giữa năm 2016 lên mức 10,4 triệu thùng dầu/ngày, giúp nước này vượt qua nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới Ả Rập Saudi về sản lượng. Mức sản lượng này chỉ kém Nga, nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, khoảng 11 triệu thùng dầu/ngày. Hiện Ả Rập Saudi và Nga vẫn đang bàn thảo về một thỏa thuận có thể mở rộng kiểm soát đối với các nguồn cung dầu từ các nước xuất khẩu dầu lớn từ 10-20 năm.