Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu thế giới có tuần leo dốc mạnh nhất do xung đột chính trị tại Syria

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần qua, thị trường năng lượng ghi nhận tuần tăng giá mạnh nhất kể từ cuối tháng 7/2017 với dầu WTI nhích 8,6% và dầu Brent vọt 8,2% do sự bất ổn chính trị tại Syria và Yemen.

Giá dầu thế giới tuần qua chứng kiến tuần leo dốc mạnh nhất trong 8 tháng qua trước tâm lý lo ngại về tình hình căng thẳng tại Syria và báo cáo cho thấy Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sắp đạt mục tiêu giảm lượng dư cung trên toàn cầu. Tính chung trong tuần, giá dầu Brent và giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ đều tăng 8%. 
Giá dầu nhích hơn 8% trong tuần tăng mạnh nhất kể từ cuối tháng 7/2017.
Trong phiên giao dịch ngày 9/4, giá "vàng đen" tăng hơn 2% do nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC cùng Nga đã hạn chế phần nào tình trạng dư cung toàn cầu. Ngoài ra, Iraq, nhà sản xuất dầu lớn thứ 2 của OPEC, vừa cho biết họ sẽ giữ nguyên giá các nguồn cung dầu thô trong tháng 5.
Sang phiên giao dịch ngày 10/4, giá dầu tiếp tục tăng khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết giảm thuế đối với ô tô và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong một sự nhượng bộ có thể nhằm xoa dịu bất đồng thương mại với Mỹ. Fawad Razaqzada, chuyên gia phân tích thị trường tại Forex.com, cho rằng mối lo ngại về nguồn cung dầu có thể bị gián đoạn do cuộc tấn công quân sự tại Syria là lý do chính giúp giá dầu tăng mạnh trong phiên này.
Giá dầu giao sau kết phiên hôm 11/4 ở mức cao nhất kể từ cuối 2014 trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Trung Đông làm dấy lên lo ngại nguồn cung dầu ở khu vực này có thể bị ảnh hưởng. 
Sang phiên ngày 12/4, giá năng lượng diễn biến trái chiều khi giá dầu Brent giảm nhẹ còn giá dầu thô Mỹ tiếp tục tăng và giữ mức cao nhất hơn 3 năm. Cả 2 mặt hàng dầu Brent và WTI đều đạt mức cao nhất kể từ cuối năm 2014 trong phiên này sau khi Ả Rập Saudi cho biết họ đã chặn được các tên lửa tấn công thủ đô Riyadh và Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Nga sắp có hành động quân sự đối với Syria. Điều này khiến các nhà đầu tư e ngại nguồn cung dầu trong khu vực có thể sẽ bị gián đoạn. 
Giá nhiên liệu tiếp tục leo dốc trong ngày 13/4, tăng 5 phiên liên tục nhờ khả năng Mỹ tấn công quân sự Syria. Trong khi đó, có báo cáo cho thấy OPEC sắp đạt mục tiêu giảm lượng dư cung trên toàn cầu. 
Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/4, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ kỳ hạn tháng 5 tăng 45 xu Mỹ lên mức 67,52 USD/thùng, tính chung trong tuần tăng gần 9%. Dầu thô Brent Biển Bắc cũng tăng 44 xu Mỹ, giao dịch ở mức 72,46 USD/thùng và tăng khoảng 8% trong tuần này.
Căng thẳng địa chính trị khiến giá dầu leo dốc mạnh mặc dù thống kê của Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô của nước này bất ngờ tăng và sản lượng dầu thô của nước này đạt kỷ lục mới.
Các nhà phân tích cho rằng tình hình tại Syria hiện vẫn trong tình trạng căng thẳng. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đang cân nhắc thời điểm có thể tấn công Syria nhằm đáp trả vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma. Ngày 12/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter: “Tôi chưa nói khi nào cuộc tấn công Syria sẽ xảy ra. Có thể vào thời điểm rất sớm hoặc không sớm chút nào”.
Căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông đang là nhân tố đẩy giá dầu lên cao hơn.
Ngoài ra, thị trường "vàng đen" còn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ thông tin mới nhất cho thấy lượng dự trữ dầu đang trên đà giảm. OPEC ngày 12/4 cho biết tình trạng dư thừa dầu trên thị trường toàn cầu gần như chấm dứt do nhu cầu năng lượng tăng mạnh và nỗ lực cắt giảm nguồn cung của khối này.
Theo báo cáo của OPEC, sản lượng chung của khối này trong tháng 3 cũng đã giảm 201.000 thùng/ngày so với tháng 2, xuống 31,96 triệu thùng/ngày. Bên cạnh đó, theo Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo, các thành viên trong và ngoài OPEC có thể gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng sang năm 2019, dù cho tình trạng dư cung được dự báo sẽ kết thúc vào tháng 9 năm nay.
Cũng đưa ra nhận định khá lạc quan, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 13/4 cho biết thị trường dầu toàn cầu sẽ tái cân bằng trở lại nếu nguồn cung vẫn bị hạn chế. Trong khi đó, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 3, đạt mức cao thứ hai từ trước đến nay.
Theo các chuyên gia, căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông đang là nhân tố đẩy giá dầu lên cao hơn. Theo báo cáo của IEA, sự bất ổn tại Syria và Yemen đã giúp đẩy giá dầu thô Brent vượt quá mức 70 USD/thùng.
Sáng 14/4,  Mỹ đã sử dụng tên lửa hành trình Tomahawk để tấn công nhiều mục tiêu tại Syria. Vụ tấn công được tiến hành ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố liên quân Mỹ-Anh-Pháp đã khởi động một chiến dịch tại Syria nhằm vào chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và nêu rõ vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma là "một hành động leo thang". 
Theo các chuyên gia phân tích, cuộc khủng hoảng tại Syria có thể gây ra những hậu quả đối với các nhà sản xuất dầu lớn khác như Nga và Iran, hay Iraq - nước láng giềng của Syria. Mặc dù Syria không phải nước khai thác dầu lớn, nhưng nước này nằm gần eo biển Hormuz - trạm trung chuyển quan trọng với hàng triệu thùng dầu đi qua mỗi ngày, nên cũng có những lo ngại cuộc xung đột ở Syria sẽ ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển dầu.