Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu thế giới đi xuống do lo ngại sản lượng của Mỹ liên tục gia tăng

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/3, giá "vàng đen" đi xuống do các nhà đầu tư thận trọng khi sản lượng dầu của Mỹ gia tăng liên tục, hạn chế những nỗ lực nhằm tái cân bằng thị trường của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Cụ thể, giá dầu Brent giảm 12 xu Mỹ, khoảng 0,2%, xuống 69,35 USD/thùng, trong khi đó giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ hạ 2 xu Mỹ xuống 65,15 USD/thùng. Trong phiên trước, giá hai mặt hàng dầu này chạm mức cao nhất kể từ ngày 2/2. Tính từ đầu tháng đến nay, giá dầu đã tăng 10%.
Theo các chuyên gia, tâm lý của các nhà giao dịch trên thị trường dầu mỏ trong phiên này đã chịu tác động trước thống kê của Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy sản lượng dầu thô của nước này trong tuần trước đã tăng lên mức cao kỷ lục 10,4 triệu thùng/ngày, đưa Mỹ vượt Ả Rập Saudi về sản lượng, chỉ đứng sau Nga với sản lượng 11 triệu thùng/ngày. 
Tuy nhiên, các nhà giao dịch nhận định thị trường năng lượng trong dài hạn vẫn nhận được nhiều yếu tố hỗ trợ quan trọng trước dấu hiệu nhu cầu tiêu thụ vững lên.
Số liệu được công bố mới đây của EIA cho thấy lượng dầu thô dự trữ của nước này bất ngờ giảm 2,6 triệu thùng, xuống 428,31 triệu thùng, trong khi trước đó các nhà phân tích dự đoán lượng dầu thô dự trữ của Mỹ sẽ tăng thêm 2,5 triệu thùng.
 Giá dầu giảm nhẹ trong ngày 22/3.
Ngày 21/3, OPEC cũng cho biết mức tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nước trong và ngoài khối đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng 2. Các nước trong và ngoài OPEC và các đồng minh của họ đã đạt 138% mức tuân thủ theo thỏa thuận giảm sản lượng trong tháng 2, tăng từ 133% trong tháng 1 và cao nhất kể từ khi thỏa thuận bắt đầu vào tháng 1/2017. OPEC cùng với Nga đã nhất trí gia hạn thỏa thuận đến hết năm 2018, mặc dù thị trường được dự kiến cân bằng trong quý II hoặc quý III.
Trong khi đó, thị trường vẫn đang lo ngại rằng Mỹ có thể tái áp dụng các lệnh trừng phạt đối với Iran. Công ty tư vấn năng lượng FGE cho rằng các lệnh trừng phạt mới mà Mỹ áp đặt với Iran có thể khiến lượng dầu xuất khẩu của quốc gia Trung Đông này giảm từ 250.000-500.000 thùng/ngày vào cuối năm nay so với mức xuất khẩu 2-2,2 triệu thùng/ngày hồi đầu năm 2016 khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.
Bất chấp mối lo ngại về sự gia tăng sản lượng khai thác tại Mỹ, ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ vẫn dự báo rằng những nỗ lực tái cân bằng thị trường của OPEC và các nhà sản xuất dầu chủ chốt khác, dẫn đầu là Nga, sẽ hỗ trợ giá dầu Brent tăng lên 82,50 USD/thùng vào giữa năm nay.