Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu thế giới giảm do chịu áp lực từ xuất khấu của Mỹ tăng cao

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/2, giá dầu đi xuống trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu dầu thô gia tăng ở Mỹ đã lấn át thông tin lượng dầu dự trữ tại nước tiêu thụ nhiên liệu nhiều nhất thế giới này bất ngờ sụt giảm.

Trong phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu giảm nhẹ mặc dù tồn kho dầu thô của Mỹ giảm. Giá "vàng đen" thế giới chịu áp lực giảm giá bởi xuất khẩu của Mỹ tăng kéo nhập khẩu ròng tại nước tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất thế giới xuống mức thấp kỷ lục, xuống dưới 5 triệu thùng/ngày.
Trong phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu giảm nhẹ mặc dù tồn kho dầu thô của Mỹ giảm.
Cụ thể, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ ở mức 62,74 USD/thùng, giảm 3 xu Mỹ so với đóng cửa phiên trước. Dầu thô Brent Biển Bắc cũng giảm 2 xu Mỹ, xuống còn 66,37 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu WTI và Brent vẫn hướng đến tuần tăng giá thứ 2 với mức tăng lần lượt là 1,7% và 2,2%, sau khi giảm mạnh hồi đầu tháng này.
Tính từ đầu tháng 2, giá dầu vẫn giảm nhưng đã phục hồi từ đợt bán tháo mạnh hồi đầu tháng. Tính đến cuối tháng 1, giá dầu WTI vẫn có 5 tháng tăng liên tục, chủ yếu do mức độ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm nguồn cung của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cao, theo Fawad Razaqzada, chuyên gia phân tích tại Forex.com.
Razaqzada cũng cho rằng ít có khả năng giá dầu tăng mạnh nữa do số lượng giàn khoan ở Mỹ tăng.
“Nếu tốc độ tăng trưởng cầu không theo kịp, tồn kho dầu thô có thể tăng trở lại. Hơn nữa, OPEC sẽ không giữ nguyên thỏa thuận về sản lượng với các nước ngoài tổ chức trong thời gian quá lâu nếu Mỹ tiếp tục giành thêm thị phần”, Razaqzada nói thêm.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 22/2 cho biết lượng dầu dự trữ tại các kho của Mỹ đã giảm 1,6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 16/2, xuống 420,48 triệu thùng, dù cho nhu cầu suy yếu khi mùa Đông sắp kết thúc ở khu vực Bắc bán cầu. 
Gred McKenna, nhà chiến lược thị trường tại Công ty môi giới kỳ hạn AxiTrader phân tích: “Do sự chênh lệch giữa giá dầu Brent và WTI, với giá giao ngay đắt hơn so với giá kỳ hạn, vì vậy việc mua vào và trữ dầu mỏ sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế đối với các nhà đầu tư".
Sự sụt giảm trong tồn kho dầu tại Mỹ đẩy giá dầu tăng ở cuối phiên giao dịch ngày 22/2, nhưng sang phiên cuối tuần thị trường năng lượng lại chịu áp lực mất giá do hoạt động xuất khẩu dầu thô của Mỹ gia tăng.
Lượng dầu xuất khẩu của Mỹ trong tuần qua đã ở trên mức 2 triệu thùng/ngày, gần mức kỷ lục 2,1 triệu thùng đạt được trong tháng 10/2017. Trong khi đó, sản lượng dầu thô tại Mỹ trong tuần qua không đổi, đứng ở mức 10,27 triệu thùng/ngày, áp sát mức sản lượng của Nga - nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới. 
Tuy nhiên, tổng thể các thị trường dầu mỏ vẫn được hỗ trợ tốt do tăng trưởng nhu cầu trùng với việc hạn chế sản lượng của OPEC và Nga.