Tuần qua, thị trường năng lượng thế giới biến động thất thường. Cụ thể, trong phiên đầu tuần (ngày 26/2), giá dầu chạm mức đỉnh của 3 tuần nhờ nhu cầu mạnh từ Mỹ cùng với cam kết của Ả Rập Saudi sẽ duy trì chính sách cắt giảm sản lượng theo thỏa thuận cắt giảm sản lượng nhằm hạn chế nguồn cung của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga.
Tuy nhiên, giá dầu liên tục lao dốc trong ba phiên liền sau đó, do kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh cũng như sản lượng khai thác dầu đá phiến tại nước này đang có xu hướng tiếp tục gia tăng. Các yếu tố này đã hạn chế nỗ lực thắt chặt nguồn cung của OPEC.
Báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy trong tuần kết thúc vào ngày 23/2, dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 3 triệu thùng, vượt mức dự kiến tăng 2,1 triệu thùng đưa ra trước đó.
Bên cạnh đó, giá “vàng đen” còn chịu sức ép đi xuống từ số liệu thống kê của EIA, trong đó điều chỉnh sản lượng khai thác dầu thô trong tháng 11/2017 lên mức kỷ lục 10,057 triệu thùng/ngày. Các số liệu theo tuần cũng cho thấy khả năng những con số trên sẽ còn tăng thêm và đạt mức kỷ lục mới trong tương lai.
Theo các chuyên gia, việc sản lượng dầu của Mỹ tăng 20% kể từ giữa năm 2016 có tác động tiêu cực đến giá dầu trong năm nay, bất chấp nỗ lực cắt giảm nguồn cung của các thành viên trong và ngoài OPEC từ đầu năm 2017.
Đặc biệt, trong phiên giao dịch ngày 1/3, giá dầu thế giới giảm hơn 1%, chạm mức thấp nhất trong 2 tuần qua, do đồng USD mạnh lên và thị trường chứng khoán Mỹ mất điểm. Thị trường Phố Wall giảm hơn 1% trong phiên giao dịch ngày 1/3 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo tăng mạnh thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu.
Theo nhà phân tích thị trường Ric Spooner của công ty CMC Markets có trụ sở tại Sydney (Australia), thị trường dầu thế giới bị ảnh hưởng bởi sự biến động của đồng USD và khả năng Chính phủ của Tổng thống Trump sẽ áp đặt mức thuế nhập khẩu mới lên nhôm và thép nhập khẩu.
Matt Smith, phụ trách kinh doanh tại ClipperData nhận định giá dầu đã chịu ảnh hưởng của thị trường chứng khoán kể từ khi diễn ra tình trạng bán tháo cổ phiếu vài tuần trước. Ngoài ra, đồng USD mạnh cũng tác động tới giá dầu thế giới.
Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu tăng nhẹ trong ngày thứ Sáu, qua đó chấm dứt chuỗi 3 phiên sụt giảm liên tiếp sau khi dữ liệu cho thấy số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ chỉ tăng nhẹ.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/3, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4 trên sàn Nymex tiến 26 xu Mỹ (tương đương 0,4%) lên 61,25 USD/thùng, nhưng vẫn giảm 3,6% trong tuần qua.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 5 trên sàn London tăng 54 xu Mỹ (tương đương 0,9%) lên 64,37 USD/thùng. Tuần qua, hợp đồng này đã sụt 4%.
Giá năng lượng phục hồi sau khi dữ liệu từ Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ chỉ tăng 1 giàn lên 800 giàn trong tuần này.
Giá dầu đã suy yếu ở đầu phiên, một phần do tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ áp đặt mức thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm, qua đó làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, đà suy yếu của đồng USD dường như đã đẩy giá dầu tăng mạnh khi chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index) - thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác - giảm 0,4%. Đồng USD và các hàng hóa được neo giá theo đồng bạc xanh thường có mối quan hệ ngược chiều. Đồng USD suy yếu có thể giúp giá dầu trở nên rẻ hơn đối với người sử dụng những đồng tiền khác.
Phil Flynn, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Price Futures Group, lưu ý rằng mặc dù những lo ngại về cuộc chiến thương mại đã làm giảm tâm lý chấp nhận rủi ro nói chung, nhưng lệnh áp thuế mới lại là nguyên nhân giúp giá dầu thô tăng. Đó là bởi vì thuế quan sẽ làm tăng chi phí sản xuất dầu thô do thép được sử dụng trong hầu hết các khâu của ngành, từ sản xuất, tinh lọc chế biến và phân phối sản phẩm.
Theo kế hoạch, OPEC sẽ tổ chức một cuộc gặp với các công ty sản xuất dầu đá phiến của Mỹ tại Houston vào ngày 5/3 tới. Đây là tín hiệu mới nhất cho thấy OPEC đang nỗ lực mở rộng những cuộc thảo luận về cách thức kiểm soát tình trạng dư thừa nguồn cung trên thị trường dầu toàn cầu.