Quyết định từ chức của cố vấn kinh tế Gary Coh càng làm nổi bật lên nỗi lo sợ rằng chính quyền Tổng thống Trump sẽ áp dụng lập trường bảo hộ thương mại - một lập trường mà nhiều chiến lược gia và nhà giao dịch xem là một mối đe dọa đến tăng trưởng kinh tế và có thể gây ra một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Trong khi đó, kế hoạch của chính quyền Tổng thống Mỹ áp mức thuế mới 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu tiếp tục vấp phải sự phản đối từ các nước.
Việc cố vấn kinh tế Gary Cohn từ chức khiến giá dầu Brent giao sau ở mức 65,37 USD/thùng, giảm 42 xu Mỹ, khoảng 0,6% so với đóng cửa phiên trước đó. Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao dịch ở mức 62,16 USD/thùng, giảm 44 xu Mỹ, tương đương 0,7%.
Stephen Innes - phụ trách kinh doanh khu vực châu Á Thái Bình Dương của OANDA tại Singapore nhận định: "Thông tin cố vấn kinh tế Nhà Trắng Gary Cohn từ chức có thể sẽ đẩy giá dầu thế giới xuống thấp hơn khi kết thúc phiên giao dịch hôm nay".
Bên cạnh đó, thị trường "vàng đen" thế giới chịu tác động mạnh từ việc sản lượng dầu thô tại Mỹ gia tăng và lượng dầu tồn kho cao của nước này, theo các thương nhân.
Số liệu từ Viện Dầu mỏ Mỹ công bố ngày 6/3 cho thấy các kho dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần qua tăng 426.880 triệu thùng, lên mức 5,661 triệu thùng.
Dữ liệu chính thức của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) dự kiến sẽ được công bố hôm thứ Tư.
Nhìn chung, nguồn cung dầu vẫn dồi dào mặc dù những nỗ lực cắt giảm sản lượng nhằm tái cân bằng thị trường dầu toàn cầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng với Nga.
EIA ngày 6/3 cho biết sản lượng dầu thô của Mỹ dự kiến sẽ tăng hơn 120.000 thùng/ngày đạt mức 11,17 triệu thùng/ngày vào quý IV năm nay.
Với mức dự báo này, Mỹ sẽ vượt qua Nga trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Trước đó, sản lượng dầu thô của Mỹ đã vượt nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới là Ả Rập Saudi vào cuối năm ngoái.
Trong năm 2019, EIA cũng dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ tăng 570.000 thùng/ngày lên mức 11,27 triệu thùng/ngày.