Giá dầu thế giới giảm sâu nhất trong 5 tháng

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc giá dầu giảm xảy ra bất chấp nhận định của Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak rằng OPEC+ sẵn sàng cắt giảm sản lượng dầu sâu hơn trong quý đầu tiên của năm 2024.

Giá dầu giảm xuống mức thấp nhất gần 5 tháng qua trong phiên giao dịch hôm 5/12 do đồng đô la Mỹ mạnh hơn và lo ngại về nhu cầu đi xuống, khiến thị trường giảm ngày thứ tư liên tiếp do nghi ngờ về khả năng OPEC+ công bố cắt giảm nguồn cung vào tuần trước.

Giá dầu thô Brent kỳ hạn giảm 83 cent, tương đương 1,1%, xuống mức 77,20 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ kết thúc phiên giảm 72 cent, tương đương 1,0%, ở mức 72,32 USD. Ảnh: Reuters
Giá dầu thô Brent kỳ hạn giảm 83 cent, tương đương 1,1%, xuống mức 77,20 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ kết thúc phiên giảm 72 cent, tương đương 1,0%, ở mức 72,32 USD. Ảnh: Reuters

Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cao cấp của Vương quốc Anh & EMEA, tại công ty phân tích và dữ liệu OANDA, cho biết: “Thỏa thuận OPEC + không hỗ trợ nhiều cho giá và trong 4 ngày giảm sau đó, các nhà giao dịch rõ ràng không mấy ấn tượng trước triển vọng thị trường”.

Cụ thể, giá dầu thô Brent kỳ hạn giảm 83 cent, tương đương 1,1%, xuống mức 77,20 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ kết thúc phiên giảm 72 cent, tương đương 1,0%, ở mức 72,32 USD.

Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất đối với cả hai loại dầu thô kể từ ngày 6/7. Đối với WTI, đây là lần đầu tiên kể từ tháng 5 giá dầu giảm trong bốn ngày liên tiếp.

Xu hướng này tiếp diễn bất chấp nhận xét của Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak rằng OPEC + sẵn sàng cắt giảm sản lượng dầu sâu hơn trong quý đầu tiên của năm 2024 để loại bỏ nguy cơ "đầu cơ và biến động", nếu các hành động cắt giảm sản lượng hiện tại chưa đủ để ngăn đà giảm.

Vào ngày 30/11, OPEC + đã đồng ý cắt giảm sản lượng tự nguyện khoảng 2,2 triệu thùng mỗi ngày trong quý đầu tiên của năm 2024. Tuy nhiên, ít nhất 1,3 triệu thùng/ngày trong số này thuộc các biện pháp hạn chế tự nguyện mở rộng của Ả Rập Saudi và Nga. 

Fiona Cincotta, nhà phân tích thị trường tài chính tại công ty dịch vụ tài chính StoneX của Mỹ, cho biết: “Yếu tố tự nguyện của thỏa thuận khiến thị trường đặt câu hỏi liệu việc cắt giảm nguồn cung có thực sự có hiệu lực hay không”.

Điện Kremlin cho biết việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ sẽ cần thời gian để có hiệu lực. Tổng thống Vladimir Putin sẽ thăm thành viên OPEC là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ả Rập Saudi trong ngày 6/12 và  đón Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tại Moscow vào ngày 7/12.

Doanh thu từ dầu khí của Nga trong tháng 11 giảm xuống 961,7 tỷ rúp (10,53 tỷ USD) từ 1,635 nghìn tỷ rúp trong tháng trước do tính chất chu kỳ của việc nộp thuế dựa trên lợi nhuận.

Nhà xuất khẩu dầu hàng đầu Ả Rập Saudi đã hạ giá dầu thô Arab Light cho khách hàng châu Á vào lần đầu tiên trong 7 tháng qua.

Trong khi đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya, thành viên OPEC, cho biết họ đang trên đà tăng sản lượng dầu lên 2 triệu thùng/ngày trong vòng 3 đến 5 năm tới.

Về nguồn cung của Mỹ, số lượng dầu thô tồn kho và nhiên liệu đã tăng theo tuần tính đến ngày 1/12, Reuters dẫn các nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu của Viện Dầu khí Mỹ hôm 5/12.

Reuters cũng dẫn các nguồn thạo tin cho biết lượng dầu thô tồn kho tăng 594.000 thùng trong tuần kết thúc ngày 1/12 vừa qua. Dự trữ xăng tăng 2,8 triệu thùng, trong khi tồn kho sản phẩm lọc dầu tăng gần 1,9 triệu thùng.

Dữ liệu của Chính phủ Mỹ về kho dự trữ sẽ được công bố trong tuần này. 

Mối quan tâm về nhu cầu

Tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, các ngân hàng quốc doanh lớn đang bận mua vào đồng Nhân dân tệ để ngăn đồng tiền này suy yếu quá nhiều sau khi cơ quan xếp hạng Moody's hạ triển vọng của Trung Quốc xuống mức tiêu cực.

Ở những nơi khác, các quốc gia tại hội nghị khí hậu COP28 đang xem xét việc kêu gọi chính thức loại bỏ nhiên liệu hóa thạch như một phần trong thỏa thuận cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp quốc nhằm giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu.

Đồng đô la Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong hai tuần so với rổ tiền tệ mạnh, sau khi dữ liệu việc làm mới cho thấy cơ hội việc làm trong tháng 10 giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021.

Thị trường lao động chững lại và lạm phát giảm đã làm tăng sự lạc quan rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể đã hoàn tất việc tăng lãi suất trong chu kỳ này, với việc thị trường tài chính dự đoán việc cắt giảm lãi suất vào giữa năm 2024.

Việc đồng bạc xanh mạnh hơn có thể làm giảm nhu cầu dầu thông qua việc khiến nhiên liệu trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua sử dụng các loại tiền tệ khác. Trong khi đó, lãi suất giảm hơn có thể làm tăng nhu cầu dầu bằng cách khiến người tiêu dùng vay tiền để mua nhiều hàng hóa và dịch vụ với chi phí rẻ hơn.