Các nhà sản xuất dầu khí đứng trước thách thức lớn từ COP28?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ông lớn dầu khí liệu có chấp nhận giảm lợi nhuận để hạn chế tác động từ biến đổi khí hậu?

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết các nhà sản xuất dầu khí buộc phải lựa chọn giữa việc tăng cường sản xuất dầu mỏ, điều sẽ khiến khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng, hoặc trở thành một phần trong nỗ lực giảm thiểu tác động từ biển đổi khí hậu.

Hiện tại, các nhà sản xuất này chỉ chiếm 1% trong tổng đầu tư toàn cầu vào năng lượng sạch, đồng thời tiếp tục thải ra một lượng lớn khí thải làm Trái Đất nóng lên, trong đó có metan. Các nhà khoa học cho biết lượng khí thải này mạnh gấp 80 lần so với khí CO2. Theo IEA, thế giới cần phải hành động quyết liệt để hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời điểm tiền công nghiệp.

Nhà máy lọc dầu Duna, Hungary. Ảnh: CNN
Nhà máy lọc dầu Duna, Hungary. Ảnh: CNN

Cảnh báo của giới khoa học được đưa ra trước khi hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP28) diễn ra. Một phân tích gần đây cho thấy Trái Đất sẽ nóng lên gần 3 độ C vào cuối thế kỷ 21, dẫn đến những nhận định của các nhà khoa học về việc thế giới sẽ gánh chịu những hậu quả tàn khốc, không thể đảo ngược được, như: sự sụp đổ của các tảng băng ở vùng cực.

Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết: “Ngành công nghiệp dầu khí đang phải đối mặt với thời khắc quan trọng tại COP28 ở Dubai. Khi thế giới đang phải gánh chịu những hậu quả từ khủng hoảng khí hậu, việc các nhà sản xuất tiếp tục phát triển nguồn nguyên liệu này cho thấy sự thiếu trách nhiệm với xã hội và môi trường”.

Ông Birol cũng đưa ra hai giải pháp hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Đầu tiên là giảm các hành vi khiến trái đất nóng lên, như: khai thác dầu và khí đốt dưới lòng đất, chế biến nhiên liệu và cung cấp cho người tiêu dùng. Ba hoạt động này đóng góp gần 15% lượng khí nhà kính trong tổng số các hoạt động liên quan đến năng lượng trên toàn cầu. Cũng theo người đứng đầu IEA, những lượng khí thải trên có thể dễ dàng khắc phục bằng nhiều biện pháp khác nhau mà vẫn đảm bảo giảm thiểu chi phí.

Tiếp theo, các công ty dầu khí cần tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo. Theo IEA, vào năm 2022, ngành dầu khí chỉ đầu tư khoảng 20 tỷ USD vào năng lượng sạch, chiếm khoảng 2,5% tổng chi tiêu vốn. Cơ quan này khuyến nghị rằng tỷ lệ đầu tư vào năng lượng sạch cần phải đạt 50% vào năm 2030 để giúp đạt được mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Theo đó, các công ty dầu khí cần phải có những thay đổi đáng kể trong chiến lược đầu tư của mình. Theo IEA, trong giai đoạn 2018-2022, ngành dầu khí tạo ra doanh thu khoảng 17 nghìn tỷ USD, trong đó 40% chi để vận hành và phát triển các cơ sở dầu khí, 10% giành cho các nhà đầu tư và chỉ một khoản nhỏ cho năng lượng sạch.

Hiện, các công ty dầu khí đang tăng cường đầu tư vào công nghệ thu giữ carbon – phần lớn được tạo ra từ nhà máy điện và cơ sở công nghiệp - nhằm loại bỏ một trong tác nhân chính gây ô nhiễm không khí. Lượng carbon này sẽ được lưu trữ hoặc tái sử dụng.

Bên cạnh đó, ông Birol cho biết công nghệ này còn đóng vai trò quan trọng trong một số lĩnh vực nhất định như: sản xuất xi măng, sắt và thép cùng nhiều lĩnh vực khác.

Tuy vậy, vị giám đốc này cũng khẳng định rằng công nghệ này sẽ không khiến cho mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn, nếu các nhà dầu khí vẫn tiếp tục thúc đẩy việc sản xuất nguồn nhiên liệu này như hiện tại.

IEA cho biết, việc hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ C đòi hỏi thế giới phải thu hồi được 32 tỷ tấn carbon vào năm 2050 – mục tiêu dường như bất khả thi, khi lượng điện cần thiết để sử dụng cho quá trình này vượt quá nhu cầu điện hàng năm trên toàn cầu hiện nay.