Số liệu của Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết các công ty năng lượng Mỹ đã giảm 7 giàn trong tuần kết thúc vào ngày 29/3, xuống còn 797 giàn, đánh dấu lần giảm đầu tiên trong 3 tuần qua.
Cụ thể, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 18 xu Mỹ, lên mức 63,2 USD/thùng, tăng 0,3% so với phiên trước đó. Giá dầu Brent giao dịch ở mức 67,84 USD/thùng, tăng 20 xu Mỹ, khoảng 0,3% so với phiên 2/4.
Giá năng lượng vẫn duy trì đà phục hồi trong bối cảnh sản lượng của Nga tăng và dự đoán Ả Rập Saudi sẽ giảm giá dầu xuất khẩu.
Greg McKenna, Giám đốc chiến lược tại công ty môi giới kỳ hạn AxiTrader nhận định: "Các thương nhân lo lắng rằng thị trường vẫn tồn khối lượng lớn các hợp đồng mua vào. Điều đó khiến giá dễ bị tác động với các tin tức xấu, như sản lượng khai thác của Nga đang tăng và khả năng giảm giá dầu của Ả Rập Saudi".
Dầu Brent đã đạt mức cao nhất lên tới 71,28 USD/thùng trong tháng 1/2018, tuy nhiên rất khó để giá dầu vượt qua ngưỡng đỉnh này. Hai đợt tăng giá trong tuần trước chỉ lên trên 71 USD/thùng, mô hình đỉnh kép này thường dự báo xu hướng giảm giá trong tương lai.
Bên cạnh đó, thị trường năng lượng chịu áp lực khác từ thị trường giao ngay, nơi nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới Ả Rập Saudi dự kiến giảm giá tất cả các loại dầu thô bán sang châu Á trong tháng 5 tới.
Cùng với yếu tố giảm giá dầu của Ả Rập Saudi, sản lượng của Nga, nhà sản xuất hàng đầu thế giới đã đạt 10,97 triệu thùng/ngày trong tháng 3, mức cao nhất trong 11 tháng, và cao hơn mức 10,95 triệu thùng/ngày trong tháng 2.
Thị trường dầu thế giới cũng gặp trở ngại khác từ việc các nhà khoan dầu của Mỹ liên tục đẩy mạnh hoạt động khai thác. Sản lượng của nước này đã tăng gần 25% kể từ giữa năm 2016 lên mức 10,43 triệu thùng/ngày, vượt qua sản lượng của Ả Rập Saudi.
Số liệu chính thức hàng tuần của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) gồm cả số liệu sản lượng sẽ phát hành vào ngày 4/4 tới. Ma Kin, giám đốc phụ trách Năng lượng và Hóa học tại Ngân hàng Kỳ hạn Quốc tế Trung Quốc cho biết: “Số liệu sản lượng của Mỹ công bố trong ngày 4/4 sẽ đưa ra một manh mối mới về chiều hướng giá dầu”.
Nhận định về triển vọng tiêu thụ dầu thô, nhiều chuyên gia dự báo nếu xảy ra một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nhu cầu dầu sẽ sụt giảm. Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế đối với lượng hàng hóa trị giá lên tới 60 tỷ USD của Trung Quốc, đồng thời áp dụng giới hạn đầu tư đối với cường quốc châu Á này. Đáp lại, Trung Quốc thông báo từ 2/4 sẽ áp thuế ở các mức 15% và 25% đánh vào lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ có trị giá 3 tỷ USD.