Trong phiên14/5, giá dầu Brent tăng trở lại mức cao nhất trong vòng 3,5 năm do tình hình bạo lực ở Trung Đông làm dấy lên lo ngại về nguồn cung dầu. Phil Flynn, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Price Futures Group, cho rằng lo ngại về bạo lực tại Trung Đông đang khiến các bên mua nước ngoài tăng đơn hàng dầu Brent do họ phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung từ châu Âu.
Cuộc đụng độ giữa người Palestin với quân đội Israel tại hàng rào phân chia Dải Gaza và Israel khiến hàng chục người biểu tình thiệt mạng sau khi Mỹ khai trương đại sứ quán mới tại Jerusalem.
Sang phiên giao dịch 15/5, giá năng lượng chạm đỉnh gần 4 năm do lo ngại nguồn cung bị ảnh hưởng từ tình hình chính trị bất ổn tại Trung Đông. Những nhà đầu tư dầu đang đánh giá rủi ro từ việc Mỹ tái áp đặt trở lại trừng phạt lên Iran, căng thẳng gia tăng tại Dải Gaza, cùng khả năng các nhà khai thác dầu không thể lấp chỗ trống từ việc thiếu hụt nguồn cung, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Phil Flynn tại Price Futures Group, nhận định.
Kết thúc phiên 16/5, giá dầu tăng nhẹ sau khi có số liệu cho thấy tồn kho dầu thô Mỹ có tuần giảm thứ hai liên tiếp và tình trạng dư cung dầu trên thế giới giảm. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho dầu thô của nước này giảm 1,4 triệu thùng trong tuần trước, thấp hơn mức dự báo giảm 2,3 triệu thùng được các chuyên gia do S&P Global Platts đưa ra.
Giá dầu Brent trong ngày 17/5 nhích nhẹ nhưng không giữ nổi mức 80 USD/thùng lần đầu tiên đạt được kể từ 2014. Theo chuyên gia phân tích hàng hóa Robbie Fraser tại Schneider Electric, nhu cầu dầu thế giới cao, thỏa thuận cắt giảm nguồn cung của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và rủi ro địa chính trị tăng đồng loạt đẩy giá dầu tăng. Iran đứng đầu rủi ro địa chính trị và hiện vẫn chưa rõ mức độ tác động của lệnh cấm vận Mỹ sẽ tác động tới sản lượng của nước này ra sao.
Trong phiên giao dịch 18/5, các hợp đồng dầu thô tương lai giảm nhẹ khi nhà đầu tư vật lộn với khó khăn vì sản lượng dầu thô tại Mỹ tăng trưởng liên tục trong bối cảnh thị trường kỳ vọng vào sự sụt giảm nguồn cung ở Trung Đông.
Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6 đóng cửa giảm 21 xu Mỹ, tương ứng 0,3%, so với phiên trước đó, xuống 71,28 USD/thùng, nhưng vẫn ở mức cao nhất trong vòng 3,5 năm. Tính cả tuần, giá dầu này tăng 0,8% và là tuần tăng thứ 3 liên tiếp.
Trong khi đó, giá dầu Brent mất 79 xu Mỹ, khoảng 1%, xuống 78,51 USD/thùng tại thị trường London. Giá dầu này vượt mốc 80 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 11/2014 trong phiên 17/5 và tăng 1,8% trong cả tuần. Giá mặt hàng dầu này đã tăng 6 tuần liên tục, ghi nhận chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 3/2011, theo số liệu của WSJ Market Data Group.
Ngày 18/5, Baker Hughes cho biết số lượng giàn khoan đang hoạt động ở Mỹ giữ nguyên mức 844 chiếc trong tuần này, sau khi tăng trong 6 tuần trước đó.
“Giá dầu Brent tăng mạnh hơn giá WTI trong những phiên đầu tuần và lực chốt lời trong phiên này khiến giá giảm trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị hạ nhiệt”, Tyler Richey, đồng chủ bút tờ Sevens Report phân tích.
Tổng thống Donald Trump trong tuần trước rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015 nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran, và sẽ áp đặt trở lại lệnh trừng phạt lên quốc gia Hồi giáo này.
Quyết định của Mỹ sẽ gây cản trở cho ngành dầu mỏ của Iran. Hiện Iran xuất khẩu khoảng 2,4 triệu thùng dầu/ngày. Theo các nhà phân tích thị trường, ước tính lượng dầu xuất khẩu của Iran có thể giảm 400.000 đến 1 triệu thùng/ngày nếu lệnh trừng phạt được áp dụng toàn bộ trong vòng 6 tháng tới.
Lo ngại về nguồn cung của Iran diễn ra trong khi nguồn cung dầu toàn cầu được thắt chặt hơn. Tổ chức Năng lượng Quốc tế cho biết tồn kho dầu thương mại tại các nước thuộc OECD giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm.
OPEC và 10 nước phi thành viên gồm Nga từ cuối năm 2016 đạt được một thỏa thuận nhằm cắt giảm sản lượng dầu khoảng 1,8 triệu thùng/ngày kể từ đầu 2017. Thỏa thuận này sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay.
Giới quan sát cũng đang theo dõi cuộc bầu cử tổng thống ở Venezuela. Sản lượng dầu ở quốc gia Nam Mỹ này giảm mạnh đã giúp giá dầu tăng trong những tháng gần đây. Tổng thống Nicolas Maduro được dự báo tái đắc cử, và trong trường hợp đó Mỹ có thể xem xét lệnh trừng phạt đối với ngành dầu mỏ Venezuela, Stephen Brennock, theo huyên gia phân tích tại PVM Oil Associates Ltd. “Khi đó, khả năng giá dầu tiếp tục tăng và tiến về mốc 100 USD/thùng là cao”, chuyên gia Brennock dự báo.