Giá dầu tăng nhẹ đầu phiên giao dịch đầu tiên của tháng 6 nhờ nhận được sự hỗ trợ từ kỳ vọng rằng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, dẫn đầu là Nga, còn gọi là nhóm OPEC+, có thể đạt được sự nhất trí về việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Tuy nhiên, đà tăng của giá “vàng đen” bị kìm hãm ở cuối phiên do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 10 xu Mỹ, tương đương 0,3%, lên mức 37,94 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ lại sụt 10 xu Mỹ, tương đương 0,3%, xuống còn 35,39 USD/thùng.
Hai nguồn tin quen thuộc nói với Reuters cho biết nhóm OPEC+ sắp đạt đồng thuận về việc gia hạn thỏa thuận giảm nguồn cung ở mức hiện tại thêm từ 1 đến 2 tháng sau thời điểm tháng 6.
Nhiều nguồn tin cho hay Ả Rập Saudi đang đề xuất gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến hết năm nay, nhưng vẫn chưa nhận được sự ủng hộ từ Nga.
Algeria, hiện đang giữ chức Chủ tịch OPEC, đã đề xuất đẩy sớm cuộc họp của OPEC+ theo dự kiến trước đó sẽ diễn ra trong hai ngày 9-10/6. Nga không phản đối việc đẩy sớm cuộc họp nói trên lên ngày 4/6.
Trong khi đó, nguồn cung dầu ở Bắc Mỹ cũng đang giảm xuống, với số liệu từ công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co cho thấy số giàn khoan dầu khi của Mỹ và Canada đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tuần kết thúc vào ngày 29/5.
Theo S&P Global Platts, một cuộc họp sớm hơn đồng nghĩa các nước thành viên đưa ra chương trình cung cấp dầu cho tháng 7 mà không có dữ liệu khai thác tháng 5 từ các nguồn phân tích độc lập. Hiện nhóm OPEC+ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này.
Các nhà phân tích năng lượng của JBC Energy cho rằng thị trường dầu mỏ phản ứng thận trọng trước thông tin về khả năng các nước OPEC+ có thể kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Hồi giữa tháng 4, trong bối cảnh giá dầu lao dốc và cầu giảm mạnh do đại dịch Covid, nhóm OPEC+ đã đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng nhằm ổn định thị trường.
Thỏa thuận quy định nhóm OPEC+ sẽ giảm tổng cộng 9,7 triệu thùng dầu/ngày trong 2 tháng bắt đầu từ ngày 1/5, và có thể lên tới 15 triệu thùng/ngày nếu tính tới các nước khác trong Nhóm G-20.
Bên cạnh đó, tâm lý của các thương nhân trong phiên giao dịch này chịu ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang.
Hãng tin Bloomberg ngày 1/6 dẫn một số nguồn thạo tin cho biết giới chức Chính phủ Trung Quốc đã chỉ đạo các công ty nhà nước tạm dừng nhập khẩu một số mặt hàng nông sản của Mỹ, trong đó có đậu tương. Cụ thể, theo nguồn tin trên, hai nhà nhập khẩu nông sản chính của Trung Quốc là Cofco và Sinograin, đã đã được yêu cầu ngừng mua một số nông sản Mỹ.
Bên cạnh đó, các công ty nhà nước Trung Quốc cũng đã hủy bỏ một số lượng đơn đặt hàng đối với thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ. Tuy nhiên nguồn thạo tin của Bloomberg cho biết các công ty tư nhân Trung Quốc hiện chưa nhận được yêu cầu ngừng nhập khẩu các sản phẩm đến từ Mỹ.
Việc Trung Quốc yêu cầu các công ty ngừng nhập khẩu một số mặt hàng nông sản từ Mỹ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng hai nước leo thang đỉnh điểm. Động thái này cũng là dấu hiệu mới nhất cho thấy thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được Mỹ và Trung Quốc ký kết hồi tháng 1 đang gặp rủi ro lớn.
Harry Tchilinguirian - phụ trách nghiên cứu hàng hóa tại BNP Paribas cho rằng việc gia tăng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh sẽ gây rủi ro lớn cho thị trường dầu mỏ trong thời gian tới mặc dù vừa chứng kiến đợt phục hồi kỷ lục trong tháng 5 vừa qua./.