Trong phiên giao dịch ngày 5/11, thị trường dầu tiếp tục đi xuống dù lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành dầu mỏ Iran bắt đầu có hiệu lực, nhưng Washington tạm thời miễn trừ đối với 8 nước được phép tiếp tục mua dầu từ Tehran. Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông muốn áp đặt trừng phạt sản xuất dầu mỏ của Iran một cách từ từ, hạn chế bớt những quan ngại về khả năng gây sốc đối với các thị trường năng lượng và khiến giá cả toàn cầu tăng vọt.
Động thái này của Washington khiến giới phân tích tin rằng sự suy giảm nguồn cung dầu từ Iran sẽ không nghiêm trọng như dự báo.
Giá dầu lao dốc trong những tuần gần đây do chịu áp lực từ mất cân bằng cung - cầu khi các nước sản xuất dầu lớn, trong đó có Ả Rập Saudi, Nga và Mỹ đã gia tăng sản lượng lên gần các mức cao kỷ lục.
Giá 2 mặt hàng dầu Brent và ngọt nhẹ WTI đồng loạt giảm trong 3 phiên tiếp theo sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, trong tuần trước dự trữ dầu thô đã tăng 5,8 triệu thùng, cao hơn gấp đôi dự kiến của các nhà phân tích trước đó. Sản lượng dầu của Mỹ cũng chạm mức kỷ lục của tuần khi tăng lên 11,6 triệu thùng/ngày.
Mặc dù lượng dầu xuất khẩu của Iran dự kiến sẽ sụt giảm do lệnh trừng phạt của Mỹ, song báo cáo từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các dự báo khác cho rằng thị trường dầu mỏ toàn cầu vẫn sẽ dư cung trong năm 2019, giữa lúc nhu cầu dầu tăng chậm lại.
Đặc biệt, giá dầu WTI đã rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống trong phiên ngày 8/11, khi mức giảm giá của loại dầu này đã lên tới hơn 20% so với mức đỉnh 4 năm là 76,9 USD/thùng thiết lập vào đầu tháng 10.
Chốt phiên giao dịch ngày 9/11, giá dầu ngọt nhẹ WTI sụt 48 xu Mỹ (tương đương 0,8%) xuống 60,19 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 8/3/2018, theo dữ liệu từ FactSet. Tuần qua, giá dầu WTI đã hạ 4,7%, đánh dấu 5 tuần lao dốc liên tiếp.
Trong khi đó, giá dầu Brent giảm 47 xu Mỹ (tương đương 0,7%), xuống còn 70,18 USD/thùng, nâng tổng mức giảm trong tuần lên 3,6%. Dầu Brent đã sụt 19% từ mức đỉnh hồi tháng 10 và đang dao động gần “thị trường con gấu”.
Hiện hợp đồng dầu WTI đã giảm 10 phiên không ngừng nghỉ, đánh dấu chuỗi lao dốc dài nhất kể từ tháng 7/1984, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Matt Cook - Phó giám đốc biên tập thị trường dầu thô và nhiên liệu Mỹ tại S&P Global Platts, nhận định: “Đà lao dốc chúng ta thấy trong các phiên gần đây là sự phản ánh đà tăng của nguồn cung mà chúng ta đã thấy tại Mỹ những tuần qua. Cụ thể, dự trữ dầu thô tại Mỹ đã tăng 7 tuần liên tục”.
Dữ liệu từ Baker Hughes công bố ngày 9/11 cho biết, số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ cộng 12 giàn lên 886 giàn trong tuần này - mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2018.
Trong khi đó, S&P Global Platts ngày 8/11 cho hay, Ủy ban Giám sát hỗn hợp các thành viên trong và ngoài OPEC (JMMC) có thể đề xuất cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày để bù đắp đà tăng sản lượng từ Nga và Ả Rập Saudi.
Dự kiến, Ủy ban gồm các thành viên OPEC và một số nước sản xuất dầu sẽ nhóm họp tại Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) trong ngày 11/11, trước khi cuộc họp chính sách quan trọng của OPEC diễn ra ngày 6/12 tới tại Vienna (Áo).