Thị trường “vàng đen” giao dịch khởi sắc trong phần lớn các phiên giao dịch trong tuần qua, nhờ vậy mặc dù sụt gần 2% ở phiên cuối tuần, giá dầu vẫn chứng kiến tuần leo dốc thứ tư liên tiếp.
Trong phiên giao dịch ngày 18/5, cả hai mặt hàng dầu chủ chốt đều tăng chạm mức đỉnh hơn 2 tháng qua, nhờ kết quả tích cực ban đầu trong việc phát triển vaccine ngừa dịch Covid-19, cũng như tâm lý lạc quan của các thương nhân về việc nối lại các hoạt động kinh tế và nỗ lực cắt giảm nguồn cung của các nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt.
Giá dầu quay đầu đi xuống trong phiên giao dịch ngày 19/5 do chịu tác động từ xu hướng giảm mạnh của thị trường chứng khoán thế giới.
Tuy nhiên, giá dầu mỏ lại tăng liên tiếp trong hai phiên giao dịch 20-21/5 sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho hay dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 5 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 15/5, còn lượng dầu dự trữ tại kho chứa dầu ở Cushing, Oklahoma, giảm 5,6 triệu thùng.
Bên cạnh đó, tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin bày tỏ sự ủng hộ về việc thực hiện thêm các biện pháp nhất định nhằm thúc đẩy nền kinh tế cũng hỗ trợ đáng kể cho đà phục hồi của giá nhiên liệu.
Thị trường cũng đã xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy hoạt động sử dụng nhiên liệu phục hồi trong ngành hàng không. Các hãng hàng không hàng đầu của Mỹ và hãng Air Canada (Canada) vừa báo cáo tốc độ hành khách hủy vé đã chậm lại và hoạt động đặt vé trong một số chặng bay được cải thiện, mặc dù nhu cầu đi lại bằng đường hàng không nói chung vẫn yếu.
Sang phiên giao dịch ngày 22/5, giá dầu quay đầu suy giảm với giá dầu ngọt nhẹ WTI đứt mạch chuỗi leo dốc dài nhất trong hơn 1 năm, do những lo ngại về tăng trưởng Trung Quốc cùng với xung đột mới giữa Washington và Bắc Kinh.
“Dầu sụt giảm do những nghi ngờ ngày càng tăng về sức mạnh của sự phục hồi kinh tế Trung Quốc, trong khi căng thẳng leo thang giữa Bắc Kinh và Washington có thể tác động mạnh đến thị trường hàng hóa hơn nữa, đặc biệt là dầu mỏ”, chuyên gia hàng hóa cấp cao Lukman Otunuga tại FXTM, nhận định. “Mặc dù thị trường dầu có thể tìm thấy hỗ trợ khi các nước nới các lệnh phong tỏa và khởi động lại nền kinh tế, nhưng đà tăng sẽ bị hạn chế do lo ngại về tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm chạp và căng thẳng địa chính trị”.
Chốt phiên giao dịch ngày 22/5, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 7 trên sàn Nymex lùi 67 xu Mỹ (tương đương 1,98%) xuống 33,25 USD/thùng. Giá mặt hàng dầu này đã phục hồi hơn 1% trong ngày 21/5, tăng phiên thứ 6 liên tiếp, đánh dấu chuỗi leo dốc dài nhất kể từ tháng 2/2019.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 7 trên sàn London mất 93 xu Mỹ (tương đương 2,58%) còn 35,13 USD/thùng sau khi tăng gần 1% trong phiên trước đó.
Tính chung trong tuần, giá dầu WTI leo dốc 12,6%, còn giá dầu Brent nhảy vọt 8,1%. Cả 2 mặt hàng dầu này đều ghi nhận 4 tuần tăng liên tiếp.
Trong phiên giao dịch này, nhà đầu tư lo ngại về tình trạng bất ổn mới ở Hong Kong (Trung Quốc), trong khi Trung Quốc tuyên bố sẽ không đặt ra mục tiêu tăng trưởng cho năm 2020, và cam kết chi nhiều hơn để khắc phục những thiệt hại kinh tế gây ra bởi đại dịch Covid-19.
Trong bối cảnh đó, chứng khoán Mỹ và chứng khoán toàn cầu phần lớn đều nhuốm sắc đỏ. Chỉ số Dow Jones giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày 22/5. Nhà đầu tư cũng có thể thận trọng khi nắm giữ các tài sản rủi ro như cổ phiếu và dầu trước cuối tuần nghỉ lễ dài ở Mỹ và Anh.
Tuy nhiên, đà sụt giảm sản lượng dầu mỏ toàn cầu và dự báo sản lượng tiếp tục giảm nhiều hơn đã hỗ trợ tích cực cho đà phục hồi của giá “vàng đen” trong tuần qua.
Dữ liệu từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes ngày 22/5 cho biết, số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm 10 tuần liên tiếp, mất 21 giàn còn 237 giàn trong tuần này, qua đó cho thấy khả năng sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ sụt giảm trong thời gian tới./.