Giá “vàng đen” tăng nhẹ trong ngày 14/6, một ngày sau khi cuộc tấn công vào 2 tàu chở dầu ở vịnh Oman, gần eo biển Hormuz và bờ biển Iran, gây ra lo ngại về sự gián đoạn dòng chảy dầu toàn cầu và khiến giá dầu tăng mạnh.
Tuy nhiên, giá dầu thế giới vẫn giảm trong tuần này vì xung đột thương mại Mỹ - Trung đe dọa gây suy giảm nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Giá dầu tăng nhẹ trong ngày 14/6, một ngày sau khi cuộc tấn công vào 2 tàu chở dầu ở vịnh Oman, gần eo biển Hormuz. |
Trong một báo cáo công bố ngày 14/6, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu và nói rằng nguồn cung trên thị trường “quá dồi dào” để đáp ứng sự tăng trưởng nhu cầu này.
“Bất ổn địa chính trị đã mang đến sự hỗ trợ chung cho giá dầu, và tùy vào các sự kiện, có thể tạo ra đột biến cao hơn, tuy nhiên các yếu tố cơ bản về nhu cầu và nguồn cung tiếp tục đang gây áp lực cho thị trường năng lượng”, Tyler Richey - đồng biên tập tại Sevens Report Research, đánh giá.
Chốt phiên giao dịch này, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 23 xu Mỹ (tương đương 0,4%) lên 52,51 USD/thùng. Cuộc tấn công tàu chở dầu ở vịnh Oman đã đẩy giá dầu WTI tăng vọt 2,2% trong ngày 13/6, nhưng không thể bù đắp đà lao dốc 4% ở phiên trước đó. Giá mặt hàng dầu này giảm 2,7% trong tuần qua.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 8 nhích 70 xu Mỹ (tương đương 1,1%) lên mức 62,01 USD/thùng, sau khi leo dốc 2,2% ở phiên 13/6. Tính chung trong tuần, giá dầu Brent sụt 2%.
Giá dầu khởi sắc trong ngày 13/6 sau khi giảm mạnh trong phiên trước đó, chủ yếu do đà tăng mạnh hơn dự báo của dự trữ dầu thô tại Mỹ.
Trong phiên giao dịch ngày 13/6, giá dầu có lúc tăng tới 4,5% do tác động của vụ tấn công xảy ra gần Iran và eo biển Hormuz, một tuyến đường huyết mạch trong vận tải dầu lửa toàn cầu. Đây là lần thứ hai trong vòng 1 tháng tàu chở dầu bị tấn công ở khu vực này, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ và Iran gia tăng.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 13/6 đã cáo buộc Iran dàn dựng một loạt các cuộc tấn công tàu chở dầu trong nỗ lực buộc Mỹ nới lỏng trừng phạt.
Trong khi Iran phủ nhận có bất kỳ liên quan vào vụ tấn công trên, quân đội Mỹ hôm 14/6 đã công bố một video chứng minh cáo buộc. Theo đó, đoạn video cho thấy lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đang gỡ bỏ một quả mìn chưa phát nổ từ một trong những tàu chở dầu bị tấn công.
Mặc dù vậy, giá dầu vẫn đang chịu áp lực từ nỗi lo ngại tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy thoái, tác động tiêu cực đến triển vọng nhu cầu dầu mỏ.
"Triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu suy yếu đang kìm hãm giá dầu, bất chấp căng thẳng ở vùng Vịnh", nhà quản lý quỹ John Kilduff thuộc Again Capital nhận xét. Theo chuyên gia Kilduff, kinh tế toàn cầu giảm tốc đang khiến nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu tăng chậm lại, lấn át ảnh hưởng của căng thẳng Mỹ - Iran đối với giá dầu. Vì vậy, giá dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục giằng co trong những phiên sắp tới.
IEA hôm 14/5 đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu từ 1,3 triệu thùng/ngày trong tháng trước xuống 1,2 triệu thùng/ngày. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới trong năm nay.
Báo cáo của IEA nêu rõ: “Đáp ứng tăng trưởng nhu cầu dầu như dự báo không có vấn đề. Nguồn cung dồi dào sẽ có sẵn từ các nước không thuộc OPEC, với Mỹ đóng góp 90% trong số 1,9 triệu thùng/ngày đà tăng nguồn cung trong năm nay”.
Thị trường dầu mỏ cũng đang chờ đợi quyết định của OPEC cùng với các đồng minh về việc có gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng vào cuối tháng này hay không, khi thỏa thuận này hết hạn./.