Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết, sản lượng dầu tinh luyện của nước này trong tháng 7 chỉ đạt 10,71 triệu thùng/ngày, giảm khoảng 500.000 thùng/ngày so với tháng 6 và là mức thấp nhất kể từ tháng 9/2016.
Việc này dẫn đến nhu cầu tiêu thụ dầu thô của Trung Quốc sẽ suy giảm mạnh, tác động tiêu cực đến giá dầu. Giá dầu Brent giảm 36 xu Mỹ, xuống mức 51,74 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ WTI được giao dịch ở mức 48,51 USD/thùng, giảm 31 xu Mỹ.
Trong phiên giao dịch này, thị trường dầu chịu áp lực mất giá do các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng sau khi số liệu cho thấy các công ty năng lượng Mỹ bổ sung số giàn khoan lần thứ hai trong ba tuần.
Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, các nhà khoan dầu đã bổ sung 3 giàn khoan trong tuần tính tới 11/8, đưa tổng số giàn khoan tăng lên 768 giàn, cao nhất kể từ tháng 4/2015. Số liệu đó so với 396 giàn hoạt động trong cùng tuần một năm trước. Các nhà khoan dầu đã bổ sung 56 trong 63 tuần qua kể từ đầu tháng 6/2016. Số giàn khoan là một chỉ số ban đầu cho sản lượng trong tương lai.
Sản lượng của Mỹ được dự kiến tăng lên 9,4 triệu thùng/ngày trong năm 2017 và đạt mức kỷ lục 9,9 triệu thùng/ngày trong năm 2018 từ mức 8,9 triệu thùng/ngày trong năm 2016.
Sự gia tăng sản lượng này đã gây sức ép giảm giá dầu trong những tháng gần đây.
Số giàn khoan dầu mỏ và khí đốt của Mỹ hiện nay là 949 giàn, so với 509 giàn năm 2016 và 978 giàn trong năm 2015.
Nhóm Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu chủ chốt khác đã nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác khoảng 1,8 triệu thùng/ngày đến hết tháng 3/2018 đã giúp đẩy giá lên trên 50 USD/thùng.
Tuy nhiên, thị trường hiện đang hoài nghi về khả năng của OPEC trong việc hạn chế nguồn cung dầu như cam kết.