Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu vẫn tăng nhờ nỗ lực của OPEC và căng thẳng tại Trung Đông

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá "vàng đen" vẫn giữ gần mức 80 USD/thùng trong ngày 18/5 do được hỗ trợ từ việc giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Mỹ áp đặt trở lại lệnh trừng phạt với Iran.

Dầu thô Brent kỳ hạn ở mức 79,57 USD/thùng, tăng 27 xu Mỹ, tương đương 0,3% so với đóng cửa phiên trước. Giá mặt hàng dầu này trong phiên 17/5 đã vượt ngưỡng 80 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 11/2014.
Giá dầu vẫn cao nhờ nỗ lực của OPEC và căng thẳng tại Trung Đông.
Dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ ở mức 71,62 USD/thùng, tăng 13 xu Mỹ, khoảng 0,2% so với phiên trước đó.
Giá dầu thô nhận được sự hỗ trợ tích cực từ việc thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng khoảng 1,8 triệu thùng/ngày của OPEC nhằm hạn chế tình trạng dư thừa nguồn cung.
Nhà phân tích thị trường Jack Allardyce tại Cantor Fitzgerald nhận xét: "Nguồn cung dầu trên thị trường toàn cầu đang được thắt chặt hơn cho thấy việc cắt giảm sản lượng khai thác của OPEC và các nhà sản xuất dầu chủ chốt khác đã phát huy hiệu quả tích cực". Mặc dù vậy, ông Allardyce cho biết ít có động lực để giá tăng nhiều trong ngắn hạn do có những lo ngại về mặt nhu cầu một phần do tính giá cao hơn.
Bên cạnh nỗ lực hạn chế tình trạng dư cung toàn cầu, nhu cầu thị trường tăng cao, đặc biệt tại châu Á, cùng việc Mỹ thông báo tái áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Iran đã đẩy giá dầu Brent tăng 20% kể từ đầu năm nay.
Theo Robbie Fraser - chuyên gia phân tích hàng hóa tại Schneider Electric, nhu cầu dầu thế giới tăng mạnh, thỏa thuận cắt giảm nguồn cung của OPEC và rủi ro địa chính trị gia tăng đồng loạt đẩy giá dầu tăng vọt. Iran đứng đầu rủi ro địa chính trị và hiện vẫn chưa rõ mức độ tác động của lệnh cấm vận của Mỹ sẽ tác động tới sản lượng của nước này như thế nào.
"Dù Iran không cắt giảm hoàn toàn mức sản lượng tăng thêm kể từ sau Thỏa thuận hạt nhân, có hiệu lực từ 2016, nhưng chắc chắn sản lượng sẽ giảm. Cùng với Venezuela, Iran sẽ là nước thành viên OPEC tiếp theo có thể giảm sản lượng, chuyên gia Fraser nói.
Stephen Innes, Trưởng bộ phận kinh doanh châu Á-Thái Bình Dương của OANDA tại Singapore cho biết: “Chất xúc tác cho động thái mới nhất dường như là lo ngại về tình trạng cân bằng cung cầu và thái độ sẵn sàng của OPEC trong việc đưa ra các hành động, thậm chí ngay cả khi Iran phải đối mặt với lệnh trừng phạt mới và sản xuất dầu của Venezuela đang chịu áp lực do bất ổn chính trị-kinh tế”.
Michael Hewson, trưởng bộ phận phân tích thị trường tại CMC Markets, nhận định nhiều khả năng giá dầu sẽ đi lên hơn là  suy yếu, và khoảng mới là 72-85 USD/thùng. Cũng không loại trừ khả năng giá dầu Brent có thể leo lên mức 90 USD/thùng trong năm nay.