KTĐT - Trả lời báo chí về các phương án tăng giá điện, Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính - Nguyễn Tiến Thỏa cho biết các bộ đang đưa ra nhiều phương án giá điện chứ không phải 3 mức như đề xuất ban đầu.
Bộ Tài chính cho biết các cơ quan tham mưu đang đề xuất nhiều phương án tăng giá điện để Chính phủ cân nhắc quyết định. Tuy nhiên, giá chỉ tăng ở mức "có kiềm chế" để tránh tác động quá nhiều đến sản xuất, tiêu dùng.
Trả lời báo chí về các phương án tăng giá điện, Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính - Nguyễn Tiến Thỏa cho biết các bộ đang đưa ra nhiều phương án giá điện chứ không phải 3 mức như đề xuất ban đầu. Trong đó, có phương án tính đủ theo thị trường, có phương án tính lùi một số khoản, có phương án một số chi phí được phân bổ dần… Trên cơ sở đó, Chính phủ cân nhắc quyết định mức nào phù hợp.
"Nhưng có lẽ ý tưởng chung của cả Bộ Công Thương và Tài chính là lựa chọn, kiến nghị phương án tăng 'có kiềm chế', tránh tác động quá nhiều đến sản xuất, tiêu dùng và đi theo đó là vẫn có chính sách hỗ trợ đối với người nghèo, người có thu nhập thấp", ông Thỏa cho biết.
Đối với giá xăng, dầu, ông Thỏa cho biết Bộ Tài chính đang triển khai theo đúng chỉ đạo của Chính phủ về việc tiếp tục lộ trình điều chỉnh theo cơ chế thị trường. "Tinh thần là sẽ điều chỉnh giá vào thời điểm thích hợp, mức độ điều chỉnh có kiềm chế nhưng không để doanh nghiệp lỗ và phải phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế, người tiêu dùng", ông Thỏa nói.
Theo ông, hiện nay giá thế giới đang diễn biến theo chiều hướng tăng, để ổn định giá trong nhiều tháng qua, Nhà nước và người tiêu dùng đã phải bỏ ra khoảng 11.000 tỷ đồng thông qua việc giảm thuế khoảng 7.500 tỷ đồng, sử dụng Quỹ bình ổn giá khoảng 3.500 tỷ đồng.
Trên thực tế, để hạn chế tối đa việc tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước, trong tháng 12/2010, Bộ Tài chính đã ít nhất 5 lần áp dụng các công cụ thuế và phí. Trong đó, chỉ tính riêng việc kìm giá bán lẻ xăng dầu không để tăng trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Nhà nước đã trích quỹ bình ổn là 2.000 tỷ đồng; và 3 lần giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu (ngân sách Nhà nước giảm thu 7.000 tỷ đồng).
Hiện giá xăng thành phẩm nhập khẩu tại thị trường Singapore đang đứng ở mức rất cao với 104,97 USD một thùng. Theo tính toán của Petrolimex - doanh nghiệp chiếm trên 60% thị phần, với giá nhập khẩu này, sau khi trừ đi các khoản thuế, phí, doanh nghiệp lỗ khoảng 2.000 đồng. Còn mặt hàng dầu, mức lỗ dao động quanh mức 1.500-1.800 đồng mỗi lít, chưa trừ đi khoản lợi nhuận định mức.