Hôm nay là ngày thứ mấy hả con? Tôi vừa làm vài động tác vặn xoay người trên giường vừa hỏi ông con cũng đang dật dờ ở giường bên cạnh. Hình như thứ Tư thì phải. “Hôm nay con không đi chích ngừa phòng dịch trong cộng đồng à?” - tôi hỏi. “Có chứ! Mẹ con cũng đi” - cậu con trai 31 tuổi của tôi trả lời. Kể cũng tội ra trường làm bác sĩ hơn 7 năm rồi mà nó chưa lấy vợ, cứ hẹn lần hẹn nữa hoài. Bằng tuổi nó bây giờ, tôi đã lấy vợ và có con rồi, nhưng thế vẫn là một trong những người lấy vợ trễ nhất trong khóa bác sĩ ra trường, từ lâu lắm rồi có lẽ phải hơn 38 năm rồi còn gì.
Nói cho đúng là ông con mình cũng có ý định lấy vợ trong năm nay, nhưng dịch dã kéo dài không biết bao giờ mới chấm dứt như thế này thì làm sao cưới vợ được đây. Người tính không bằng trời tính, thôi đành chịu vậy chứ biết làm sao?
Mơ mộng thư giãn một chút, tôi cũng không biết hôm nay là ngày thứ mấy thành phố lớn nhất của cả nước này thực hiện giãn cách toàn bộ để chống dịch nữa. Cũng gống như ở các Casino đánh bài, không có đồng hồ, không có ánh mặt trời, không có bóng trăng mờ bên cửa sổ. Tất cả chỉ là một bầu trời đầy sao, ngày cũng như đêm mặc đồng hồ sinh học của mỗi người. Tất cả đều tĩnh lặng, ngoại trừ những hồi chuông điện thoại vang lên réo rắt thúc dục lòng người đến nôn nao khó chịu.Ngoài đường phố thỉnh thoảng mới có một vài chiếc xe hai bánh chở hàng chạy vụt qua, trên xe là những kiện hàng thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày của những thị dân của thành phố đông dân nhất nước này. Rất ít xe hơi, chỉ vài cái cũng chạy vội qua các chốt kiểm soát mọc lên dày đặc khắp các ngã tư.
Cả thành phố như đông cứng lại, các hoạt động hầu hết đều lắng đọng theo thời gian. Chợt nhớ đến câu hát: Hôm nay thời gian như lắng đọng, cho đôi tình nhân đắm trong giấc mộng... Hoàn cảnh này thì các đôi tình nhân chắc cũng đi chống dịch hết chẳng còn cơ hội nào để mà mơ với mộng nữa phải không các bạn?Hai tin nhắn liên tiếp từ bác sỹ phụ trách đội chích ngừa ngoài cộng đồng bên quận 8, theo sự phân công của Sở Y tế. Một nhân viên trong đội tiêm ngừa bị xỉu phải cấp cứu truyền dịch. Shock nhiệt ấy mà, đứng tiêm suốt từ 8 giờ sáng đến giờ trong bộ đồ bảo hộ, cũng không thể chịu nổi, khát nước mà không dám uống vì sợ phải đi tiểu.
Có ai đã mặc bộ đồ này mới hiểu đi vệ sinh khó như thế nào và không thể mỗi lần như vậy là thay bộ đồ mới và thế là thỉnh thoảng có người gục ngã tại nơi chích ngừa vì shock nhiệt. Thông thường nhân viên này phải nghỉ khoảng 2 ngày ở nhà nạp năng lượng lại. Nhưng cô H bị shock nhiệt chiều nay sau khi phục hồi đã nhắn tin với tôi: Ngày mai xin cho em tiếp tục tham gia đoàn chích ngừa. Sau khi bàn bạc với các đồng nghiệp chúng tôi đồng ý.Con trai tôi và mẹ nó cũng hăng hái như những đồng nghiệp tôi vừa kể. Chúng tôi gác chuyện gia đình để lo chống dịch. Con trai tôi trong mắt tôi là như một đứa trẻ bé bỏng ngày nào. Nó không cao lớn hơn ba, khuôn mặt vẫn trẻ trung như thế… Nhiều lúc khi nghe nó phát biểu tôi mới giật mình là nó đã là bác sĩ kinh nghiệm ngày càng dày dặn lên rồi. Tôi không tiện nhắc, cũng không giục giã nó chuyện lấy vợ dù nó đã qua tuổi ba mươi “tam thập nhi lập”, nhất là lúc đang dịch giã như hiện nay.Nhưng khi nhìn con trong bộ đồ phòng Covid-19, cần mẫn làm việc, lại còn biết động viên mẹ nó nữa, tôi mới biết con mình lớn khôn thật rồi. Từ nhỏ, nó đã ý thức được nó là một trong những đứa bé biết “vượt sướng” để học giỏi, không đua đòi ăn chơi, biết tham gia công tác xã hội. Nay nó biết gác lại chuyện riêng, chuyện đi cà phê với bạn bè, với bạn gái, để sống với tinh thần thiện nguyện, xả thân cống hiến cho xã hội.Như vậy thì con trai tôi đã trưởng thành, lớn khôn rồi còn gì nữa?