Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Gia đình] Hạnh phúc trong lặng lẽ

TS. Thu Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chị không ngờ có ngày chị lấy anh. Bởi trước đó, cứ mỗi lần thấy bóng dáng anh là chị tránh xa, rất nhiều lần như vậy và đã kéo dài suốt nhiều năm trời.

Ấy vậy mà “ghét của nào, trời trao của đó”, chị cuối cùng cũng thuộc về anh. Nhiều người nhìn cặp vợ - chồng của chị cũng rất ngạc nhiên, họ băn khoăn: “Chị đẹp thế, tài năng như thế, tại sao lấy anh chàng xấu trai như vậy?”.

Chuyện chỉ có người trong cuộc mới hiểu. Chị là một họa sĩ tài năng, tranh của chị từng được tham gia một số cuộc triển lãm nổi tiếng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, việc tranh của chị nổi tiếng như thế nào cũng không so sánh được sắc đẹp trời cho của chị. Nghĩ về chị, người ta nghĩ đến khuôn mặt đẹp như trăng rằm, mái tóc dài, rồi đôi mắt, đôi môi, và đặc biệt là nụ cười hiền nhưng không kém phần tỏa nắng.
 Ảnh minh họa.
Những ngày là nữ sinh trường mỹ thuật, chị luôn được các chàng trai hào hoa săn đón, trong đó có anh - người chị phải lẩn trốn nhiều nhất, triệt để. Anh lúc đó cũng giống như bây giờ, sau hơn 10 năm, to béo và đen, trông giống như người nước ngoài chứ không phải người Việt Nam. Chưa bao giờ anh tiếp cận được chị…

Ngày đó, Huy (tên đã thay đổi - NV) nổi bật trong số các “vệ tinh” của chị. Huy cao ráo, trắng trẻo, cùng học trường mỹ thuật. Huy không chỉ vẽ đẹp mà còn đàn hát rất hay. Anh thực thụ là một chàng trai nhiều tài năng. Cách ăn nói của anh cũng nhẹ nhàng đầm ấm. Đặc biệt, Huy rất khéo chiều bạn gái. Những đêm khuya học bài, chị thường nhận được món quà nho nhỏ của Huy, khi là gói xôi, khi cái bánh mỳ… Chị thầm nghĩ, sao anh ta lại biết mình đói nhỉ?

Hồi đó, không hiểu sao dù chưa có thông tin trên mạng như bấy giờ, nhưng Huy luôn biết các dịp triển lãm tranh để chở chị đến xem. Những lúc như vậy, Huy còn chứng tỏ cho chị biết là anh ta quen rất nhiều văn nghệ sĩ, đặc biệt là các họa sĩ gạo cội. Điều đó khiến chị rất khâm phục, vì các họa sĩ nổi tiếng đó là thần tượng của chị, gặp và được trò chuyện với họ là dịp để chị học hỏi thêm về kỹ thuật.

Thế rồi, chị và Huy làm đám cưới như một lẽ tự nhiên. Rất nhiều họa sĩ tài năng đã đến dự tiệc chung vui của họ. Nhiều người dự đoán chị và Huy sẽ trở thành cặp họa sĩ nổi tiếng vì cả hai đều có tài…

Tuy nhiên, tất cả chỉ là dự đoán. Khi trở về chung một nhà, nhiều sự thực trần trụi mới bộc lộ. Huy không phải là người đam mê hội họa, anh ta thích đàn hát hơn. Hơn thế, anh ta ca hát không phải để phát triển nghề nghiệp mới mà để… tán gái, như hồi tán chị. Gặp thời buổi tranh khó bán, tranh của chị và của anh có giá thấp. Tranh của anh khá sơ sài nên người mua (chủ yếu là các nhà sưu tập, buôn bán tranh) chê và hầu như không nhận.

Cuộc sống gia đình lại càng khó khăn vất vả hơn khi gia đình có thêm con nhỏ. Những lúc đó anh vẫn mải mê đàn đúm bạn bè với những lời cao vọng. Mệt mỏi hơn khi anh lúc nào cũng mang hình bóng một cô gái nào đó trong tâm tưởng. Anh đi nhiều đến nỗi con gái không mấy nhớ đến bố. Nó dửng dưng khi bố đi (thường lúc nó đang ngủ), cũng không hề vui khi bố nó về.

Cũng như đám cưới của họ là tất yếu, chị và Huy phải chia tay sau ngày tháng vừa căng thẳng, vừa nhạt nhẽo. Chi bồng con ra đi vào Nam lập nghiệp với hai bàn tay trắng, vì thực ra họ cũng chả có gì, ở thì ở phòng trọ.

Vào Nam, chị thuê phòng trọ, tìm trường cho con xong rồi đi kiếm việc làm. May mắn là chị được nhận vào làm việc ở một nhà xuất bản với công việc vẽ và thiết kế bìa. Hai mẹ con líu ríu với nhau trong bộn bề vất vả, khó khăn như vậy thì anh xuất hiện. Lần này anh không vồ vập chị như thuở sinh viên mà gặp chị nói: “Em có thể để anh đi bên cạnh em trong cuộc đời này không?”. Chị ứa nước mắt và cũng lặng lẽ gật đầu.

Rồi chị biết lần muộn màng này chị đã không chọn lầm người. Anh tuy không đẹp trai, đàn hay hát giỏi nhưng rất chu đáo với vợ con. Đặc biệt, anh chăm sóc con riêng của chị như con đẻ của mình. Tất cả những gì tốt đẹp nhất anh đều dành cho chị và con cái. Sự hạnh phúc của chị thật lặng lẽ và đằm sâu.