Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Gia đình] Nàng dâu... chịu đựng

Thanh Hoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chị lấy anh trong tình cảnh như người ta nói là “rổ rá cạp lại”. Anh đã có một đời vợ, hai đứa con; chị cũng trải qua một mối tình dù không cưới xin nhưng cũng có đứa con gái. Họ lấy nhau chỉ sau mấy tháng làm quen trong đám cưới mà cô dâu và chú rể là người quen của cả hai…

Trước khi cưới, nhiều người khuyên chị, lúc này đang làm phó giám đốc một công ty xây dựng, không nên lấy anh vì nghe nói tính anh gia trưởng, lại ham bài bạc. Chị tìm hiểu thì thấy, đúng anh gia trưởng nhưng không đến nỗi như các cụ ngày xưa; anh cũng có chơi bài nhưng chỉ chơi vui vẻ với mấy anh em ruột trong nhà, không mang tính sát phạt, có tính thích chơi xổ số. Anh còn có thêm tật là thích uống rượu, gần như ngày nào sau buổi làm cũng tụ tập với bạn bè uống rượu, dù không đến nỗi say khướt.
Điều đáng nói, chị tuổi đã lớn, ngoài 30, mà nhan sắc không mấy mặn mà, thậm chí bị đánh giá dưới trung bình. Chị cũng đắn đo khi lấy anh nhưng nghĩ đến con gái cần có người cha nên quyết định lấy anh.
 Ảnh minh họa.
Cuộc sống gia đình anh chị không đến nỗi nhiều khó khăn. Anh đi làm công ty nhà nước, tiền lương không cao nhưng đủ chi dùng hàng ngày. Chị làm công ty tư nhân tuy công việc không đều nhưng có tháng thu nhập cao. Anh chị có căn nhà riêng dù nhỏ nhưng cũng đủ ở. Đây là nhà của anh được bố mẹ chia cho đất và hỗ trợ xây dựng.

Cuộc sống gia đình anh chị mấy năm đầu suôn sẻ, nhưng rồi rắc rối kéo đến khi anh chị có đứa con chung, một bé trai kháu khỉnh. Vì sinh con, chị đành ở nhà để chăm sóc con, nhất là những tháng con cần bú sữa mẹ. Do đó, thu nhập của anh chị sụt giảm hẳn, trong khi nhu cầu chi tiêu sinh hoạt tăng lên. Đến thời gian này, chị mới nhắc anh bỏ bớt việc mua xổ số (anh ngày nào cũng mua một lô, một lốc), giảm bớt tụ tập nhậu nhẹt vừa đỡ tốn tiền, vừa để có thời gian giúp vợ chăm con nhỏ. Không may, trong một lần chị nhắc anh thì lại có mặt mẹ chồng. Bà nói: “Cô phải để chồng mình thỉnh thoảng gặp gỡ bạn bè chứ. Cứ ru rú trong nhà thì sao mà làm ăn được”.

Từ đó, mẹ chồng ác cảm ra mặt với cô dâu. Một hôm, chị sai đứa con của chồng trông đứa trẻ mới sinh. Thằng lớn mải chơi game trên điện thoại, em ngã khỏi nệm cũng không hay. Chị đang mắng đứa lớn thì lại đúng dịp mẹ chồng sang nhà thăm cháu. Bà mắng: “Thằng anh không phải là người giúp việc đâu nhé. Chị phải để cho nó có thời gian học hành chứ. Không phải con chị nên chị không xót phải không?”.

Lúc này chị không biết phân bua như thế nào, chị biết cúi đầu im lặng. Mẹ chồng cũng lập tức bỏ về và từ đó ghét chị ra mặt. Hồi đầu về làm dâu, lúc nào thiếu tiền tiêu vặt, chị hỏi vay bà tiền, bà lập tức cho vay ngay. Thế mà hôm rồi, chị hỏi bà vay vài triệu, bà lập tức sầm mặt: “Tôi đâu có giỏi giang như chị để mà có tiền cho vay”. Đỉnh điểm mâu thuẫn là lúc chị mang thức ăn sang cho ông bà, bà lập tức bắt cầm về không ăn. Thậm chí, có hôm trời mưa, chị đang chăm con nhỏ không kịp ra sân lấy đồ vào, khiến đồ ướt sũng. Đây là việc mẹ chồng thường giúp chị mỗi khi chị bận. Thời gian này, chị thật hoang mang, nghĩ chị sẽ vất vả vì chồng chứ không ngờ lại phải chịu đựng sự hắt hủi của mẹ chồng.

Đêm khuya, khi con cái đã ngủ, chị nói chuyện với anh về tình hình kinh tế gia đình khó khăn, về sự hiểu lầm của mẹ chồng.

Nghe xong câu chuyện, anh nói với chị một phần cũng là lỗi của mình, khi dành quá ít thời gian cho gia đình, cho việc giúp chị nuôi dạy con cái. Anh bảo: “Anh sẽ sang giải thích cho mẹ mình để giải tỏa những khúc mắc”.

Một thời gian sau, sau giờ làm là anh lập tức về nhà chứ không còn tụ tập ăn nhậu với bạn bè. Anh trông con cho chị làm việc nhà, rồi lau dọn nhà cửa, trông coi việc học hành của con trẻ. Điều đáng mừng hơn: Một hôm mẹ chồng gọi chị sang, cho chị đôi hoa tai bằng vàng. Bà nói: “Đây là đôi hoa tai hồi trẻ mẹ được mẹ chồng cho; cho con”. Bà nói thêm: “Thời gian qua con thật vất vả lo cho gia đình, chăm con… lại bị mẹ giận. Nhưng con vẫn chịu thương, chịu khó để lo cho gia đình chu đáo; chồng con lại bớt được tật la cà, nhậu nhẹt…”.

Nghe những lời của mẹ chồng, chị như được gánh nặng trong lòng, thầm nghĩ: “May mọi việc cũng qua đi, gia đình mình sẽ vui vẻ như hồi đầu chị mới về làm dâu”.