Thực tế cho thấy, trước sự phát triển và biến đổi không ngừng của đời sống, nhiều thành viên trong gia đình quá chú tâm vào việc tạo dựng các giá trị vật chất mà xem nhẹ giá trị tinh thần, truyền thống dẫn đến tình trạng cha mẹ thiếu quan tâm đến con cái, gia đình không hòa thuận. Bên cạnh đó, đã xảy ra sự lệch lạc về nhận thức, lối sống của một bộ phận lớp trẻ. Tình trạng chung sống không kết hôn, lối sống buông thả, thiếu lành mạnh… đang để lại hậu quả nghiêm trọng, nhiều giá trị truyền thống của gia đình đang có biểu hiện nhạt phai. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VHTT&DL) Hoa Hữu Vân, chính những yếu tố kinh tế thị trường đã để hệ lụy đối với văn hóa gia đình. Cấu trúc, chức năng, các mối quan hệ gia đình, sự định hướng giá trị trong gia đình đang có nhiều thay đổi xa dần truyền thống.
Ảnh minh họa
Nhiều nhà xã hội học cũng tỏ ra ngại trước sự tan rã nhanh của những gia đình tưởng như là lý tưởng, có học thức, kinh tế ổn định, có sự hậu thuẫn từ nhiều phía. Nguyên nhân được chỉ ra là do lực liên kết giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lỏng lẻo, cái tôi cá nhân đang được sử dụng ở công suất tối đa khiến nhiều trẻ em phải sống trong cảnh thiếu cha hoặc mẹ. Một cuộc điều tra công bố mới đây cũng cho thấy những con số đáng giật mình. Có tới 60% gia đình trẻ trong độ tuổi 20 - 30 đã ly hôn và 70% trong số đó đã có ràng buộc về con cái. Ly hôn đã trở thành... "mốt" và gia đình đúng là đang đứng trước xu hướng tan rã rất nhanh như ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra.
Việc cần làm
Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VHTT&DL) Trần Ánh Tuyết đã cho rằng: Trong mỗi gia đình Việt
GS. TS Xã hội học Đặng Cảnh Khanh cũng đánh giá cao vai trò của gia đình với tư cách là một di sản. Ông cho rằng, trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nhiều thế hệ đã được nuôi dưỡng bởi những giá trị truyền thống trong gia đình. Truyền thống đó đã, đang được nảy nở, lưu giữ và phát huy qua nhiều thế hệ. Đây sẽ là cơ sở nền tảng để tiếp thu các giá trị mới trong xu thế hội nhập. Chính giá trị văn hóa truyền thống được kết tinh trong gia đình sẽ là động lực cho sự phát triển xã hội bền vững.
Nhưng câu hỏi, gia đình trẻ có thực sự bền vững, vẫn không dễ trả lời bởi một khi những ràng buộc trong hôn nhân đã không còn sức hấp dẫn với những người trẻ tuổi. Đứng trước thực trạng lỏng lẻo của gia đình hiện nay, chính những thanh niên cũng nhận thấy cần phải thực hiện ngay những giải pháp để gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị gia đình truyền thống, "cứu vãn" lối sống trong gia đình trẻ đang bị lệch lạc dần. Trong đó, không thể thiếu được sự định hướng của những người đi trước, sự tuyên truyền, giáo dục của các đoàn thể để xây dựng được ý thức trong mỗi người. Thực tế cũng cho thấy, không ít gia đình trẻ vẫn giữ được một lối sống bền chặt, gắn kết. Họ đã cùng nhau xây dựng nên gia đình hạnh phúc và bền vững đúng nghĩa, có sự liên quan mật thiết với nhau trong một vòng tròn cha - mẹ - con cái. Họ đã tạo nên một tổ ấm thực sự.