Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá khí đốt châu Âu tăng hơn 30%, Nga đổ lỗi cho Đức

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng hơn 30% hôm 4/1, với nguyên nhân chủ yếu được cho là nguồn cung thấp tại Nga đẩy giá mặt hàng này tăng trong dịp đầu năm.

Cụ thể, giá khí đốt trên sàn TTF của Hà Lan ngày 4/1 ở mức 93,8 euro/mwh, tăng 31% so với mức 71,3 euro/mwh ngày 31/12/2021.

"Giá khí đốt tại châu Âu tăng trở lại do dòng chảy từ Nga giảm và lo ngại về lệnh cấm xuất khẩu than của Indonesia", nhà phân tích tại Engie Energyscan nhận định. Châu Âu là tâm điểm của cuộc khủng hoảng năng lượng trong năm 2021 sau khi nhiều quốc gia nới lỏng giãn cách do Covid-19 đẩy nhu cầu các mặt hàng trong mảng này lên cao.

Điện Kremlin đã nhiều lần phủ nhận việc sử dụng nguồn khí đốt khổng lồ của Nga để gây khó cho châu Âu, trong bối cảnh dòng khí đốt đi qua đường ống Nord Stream 2 đổi hướng chỉ 3 ngày trước Giáng sinh.

Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Đức đang bán lại khí đốt của Nga cho Ba Lan và Ukraine thay vì giảm áp lực về giá, đồng thời đổ lỗi cho các nhà nhập khẩu khí đốt của Đức cho việc dòng chảy khí đốt thay đổi khiến giá cả tăng vọt.

Châu Âu là tâm điểm của cuộc khủng hoảng năng lượng kể từ năm ngoái, khi việc dỡ bỏ các hạn chế của Covid-19 đặt ra nhu cầu rất lớn đối với nguồn dự trữ khí đốt tự nhiên đang cạn kiệt.

Mức giá tiêu chuẩn đã tăng gấp hơn 5 lần kể từ tháng 1/2021, gây áp lực lên người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời đe dọa sự phục hồi kinh tế của khu vực này.  Tại Anh, các nhà cung cấp năng lượng đã cảnh báo rằng hóa đơn khí đốt trung bình có thể tăng lên hơn 2.000 bảng Anh một năm vào tháng 4, khi giới hạn giá cả được điều chỉnh tăng lên, gây áp lực buộc chính phủ buộc phải hành động để làm chậm lại mức tăng của chi phí sinh hoạt.  

Những dự đoán về thời tiết sẽ còn trở lạnh hơn tại châu Âu cũng góp phần làm tăng áp lực lên giá, nhưng việc Nga giảm nguồn cung khí đốt là nguyên nhân chính, The Guardian dẫn lời một doanh nghiệp cho biết.

Bên cạnh đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu và các đồng minh (nhóm Opec +) gần đây đã thể hiện quyết tâm tăng sản lượng, báo hiệu sự lạc quan của họ rằng biến thể Omicron của Covid-19 sẽ chỉ có tác động ngắn hạn đến tăng trưởng toàn cầu. Liên minh 23 thành viên, do Ả Rập Saudi dẫn đầu, không bao gồm Nga - vẫn đang xem xét kế hoạch tăng sản lượng khiêm tốn 400.000 thùng/ngày vào tháng 2 tới.

Mỹ đã thúc giục Opec và các đồng minh của khối, dẫn đầu là Nga, tăng sản lượng để nhằm giảm giá dầu, thúc đẩy đà phục hồi kinh tế. Trong khi các quốc gia sản xuất dầu lựa chọn tăng chậm hơn mức mà Mỹ đã kêu gọi, bất kỳ sự gia tăng nào về khối lượng dầu thô nào họ bơm ra thị trường đều cho thấy niềm tin rằng biến thể Omicron sẽ không làm giảm nhu cầu về nhiên liệu. Trong một báo cáo gần đây, Opec cho biết biến thể này sẽ "nhẹ và tồn tại trong thời gian ngắn", đồng thời bày tỏ lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu.  

Một yếu tố khác tác động lên thị trường năng lượng là Indonesia cấm xuất khẩu than trong tháng 1. Trước đó, ngày 31/12/2021, Bộ Năng lượng và Khoáng sản Indonesia có thông báo về việc tạm thời cấm xuất khẩu than từ 1/1 đến 31/1. Nhà chức trách Indonesia cho biết việc cấm xuất khẩu của nước này nhằm đảm bảo nguồn cung cho các nhà máy điện của quốc gia Đông Nam Á, ngăn ngừa rủi ro thiếu điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt, đồng thời buộc các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phải hoàn thành nghĩa vụ cung ứng 25% tổng lượng than xuất khẩu cho thị trường nội địa.