Không thụ động
Theo báo cáo của UBND huyện Gia Lâm, đến 27/2/2017 đã có 53.038 trường hợp được cấp GCN quyền sử dụng và giấy xác nhận đăng ký đất đai (đạt 91,58%). Còn lại 4.877 trường hợp chưa được cấp 2 loại giấy tờ nói trên, trong đó 399 trường hợp đủ điều kiện đề nghị cấp GCN, 4.478 chưa đủ điều kiện. Đối với đất nông nghiệp (sau dồn điền đổi thửa), đã cấp được 6.584 trường hợp (đạt 95.09%).
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn kết luận buổi làm việc. |
Theo ông Lê Anh Quân - Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, từ 2015 và đỉnh điểm là năm 2016, Huyện ủy, HĐND, UBND và các ngành chức năng của huyện đã thành lập nhiều tổ công tác xuống các xã và thị trấn để tuyên truyền vận động người dân về ý nghĩa của việc cấp GCN. “Để đạt được kết quả trên, chúng tôi đã cứ vào các quy định của Luật Đất đai 2003 - 2013 và vận dụng linh hoạt các văn bản chỉ đạo của UBND TP và thường xuyên trao đổi với Sở TN&MT để xử lý các vướng mắc” - ông Quân nói.
Đánh giá về những việc mà UBND huyện Gia Lâm đã làm được trong công tác cấp GCN, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó giám đốc Sở TN&MT Hà Nội nhận định: Có thời điểm, trong 12 ngày huyện Gia Lâm đã trả cho người dân hơn 10.000 GCN. Việc làm này chưa địa phương nào trong TP làm được.
Vẫn còn vướng mắc cần xử lý
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Gia Lâm cho biết: Tuy đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng công tác cấp GCN tại địa phương cũng gặp không ít vướng mắc. Đó là việc nộp và nợ nghĩa vụ tài chính khi được cấp GCN, việc xử lý đất có nguồn gốc do Nhà nước và các tổ chức kinh tế quản lý (đã cấp cho người dân). Đất vượt hạn mức, đất thuê thầu trái thẩm quyền, đất chưa đủ điều kiện cấp GCN… rất cần sự tháo gỡ vướng mắc từ ngành chức năng của TP.
Giải thích những băn khoăn của bà Nguyễn Thị Thanh Hà, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết: Với các trường hợp chưa đủ điều kiện cấp GCN, cần phải lập giấy xác nhận đăng ký đất đai để quản lý. Với trường hợp nhà đất do cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế quản lý (đã phân cho các hộ dân)… nên xem xét cấp GCN luôn. Với nhà thanh lý, phải hiểu là chỉ thanh lý tài sản trên đất, bây giờ cấp GCN cho người dân là phù hợp. Không chấp nhận các trường hợp quá hạn mức đất ở lại đòi nộp nghĩa vụ tài chính (như trong hạn mức).
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Gia Lâm trình bày những vướng mắc khi tiến hành cấp GCN trên địa bàn. |
Về vấn đề nộp nghĩa vụ tài chính, ông Thái Dũng Tiến - Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội giải thích: Trường hợp khó khăn, các hộ dân có thể làm đơn thì được ghi nợ trong vòng 5 năm theo Nghị định 45. Khi người dân làm thủ tục, Bộ phận 1 cửa và Văn phòng đăng ký đất đai nên giải thích rõ.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: So với số liệu chung của các quận huyện, kết quả đạt được của Gia Lâm rất đáng khích lệ. Có thể khẳng định đến thời điểm này, việc cấp GCN của huyện Gia Lâm đang dẫn đầu toàn TP. Tuy nhiên, công tác cấp GCN ở 1 số xã như Kim Sơn, Lệ Chi, Dương Quang còn thấp. Vì vậy UBND huyện Gia Lâm và các ngành chức năng cần quan tâm chỉ đạo để các xã trên sớm đạt tiến độ đã đề ra. Với các hộ dân còn chưa hiểu rõ ý nghĩa của việc cấp GCN, chính quyền cần tăng cường công tác tuyên truyền để họ hiểu mà thực hiên.
Sở TN&MT cần sớm có các văn bản đề xuất để TP điều chỉnh các chính sách cho phù hợp với thực tế. Đồng thời phối hợp với các tổ công tác để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở.