Kho tàng di tích đồ sộ
Theo số liệu của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gia Lâm, đến thời điểm này, toàn huyện có 318 di tích, trong đó có 169 di tích đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa và gắn biển di tích cách mạng kháng chiến. Gia Lâm cũng là nơi thờ hai vị trong "Tứ bất tử" là Thánh Gióng (xã Phù Đổng) và Chử Đồng Tử (xã Văn Đức). Hiện, di tích đền Phù Đổng (thờ Thánh Gióng) đã được Nhà nước xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt.
Cùng với di sản văn hóa vật thể, Gia Lâm còn bảo lưu nhiều lễ hội cổ truyền của địa phương. Tiêu biểu là Lễ hội Gióng năm 2010 đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bên cạnh đó, các loại hình nghệ thuật truyền thống vẫn được lưu truyền như cải lương (xã Đa Tốn), chèo cổ (xã Dương Quang), múa Bông Sòng (xã Phú Thị), múa chữ (xã Văn Đức), tế lễ rước kiệu trong các hội làng…
Đặc biệt, Gia Lâm còn có pho tượng phật Thiên thủ Thiên nhãn ở chùa Đào Xuyên (xã Đa Tốn) có niên đại lâu năm, có những chi tiết chạm khắc đặc biệt, khác với những pho tượng Thiên thủ Thiên nhãn trước đây và đã được Nhà nước công nhận là Bảo vật Quốc gia. Để giữ gìn, phát huy giá trị của các di tích, những năm gần đây, huyện Gia Lâm đã xây dựng nhiều chương trình, đề án đẩy mạnh phát triển văn hóa - xã hội trên địa bàn.
Hàng năm, huyện mở các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác quản lý di tích và lễ hội truyền thống nhằm nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý ở cơ sở. Tại các xã, thị trấn đều thành lập ban quản lý di tích.
Các thôn, làng, tổ dân phố có di tích đều thành lập tiểu ban quản lý di tích, ngoài việc tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh còn tổ chức in ấn các tờ rơi, tờ gấp giới thiệu để người dân hiểu rõ hơn về di tích.
Không ngừng bảo tồn và phát huy
Bà Phùng Thị Hoài Hương - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gia Lâm cho biết, những năm gần đây, huyện đã thực hiện tu bổ, tôn tạo hàng chục di tích với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn xã hội hóa.
Điểm nhấn trong công tác bảo tồn di tích có thể kể là: Lập hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể đối với lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (xã Văn Đức) và nghề gốm sứ truyền thống Bát Tràng. Thực hiện kiểm kê hiện vật tại các di tích. Đến nay, huyện đã kiểm kê hiện vật tại 129/169 di tích đã được xếp hạng.
Đối với việc tu bổ tôn tạo di tích, huyện đã rà soát đánh giá hiện trạng, đưa vào danh mục kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 tu bổ tôn tạo đối với 60 di tích, với tổng kinh phí dự toán trên 600 tỷ đồng. Năm 2018, huyện đã tu bổ, tôn tạo hoàn thành đưa vào sử dụng 3 di tích với kinh phí gần 60 tỷ đồng gồm: Đình Chử Xá, đình Trân Tảo và đình Thuận Tốn. Bên cạnh đó, huyện đã làm hồ sơ đề nghị công nhận Bảo vật Quốc gia đối với 5 hiện vật ở Đền Nguyên phi Ỷ Lan.
Mặc dù công tác tu bổ, tôn tạo di tích được huyện Gia Lâm quan tâm đầu tư, tuy nhiên do số lượng di tích lớn, trong đó nhiều di tích đã trải qua hàng trăm năm nên trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều di tích xuống cấp nghiêm trọng, chưa có kinh phí trùng tu. Theo bà Phùng Thị Hoài Hương, việc tu bổ, tôn tạo di tích từ trước đến nay đều có sự đóng góp đáng kể từ Nhân dân. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, cần sự chung tay góp sức của Nhà nước và người dân. Nguồn kinh phí của huyện còn hạn hẹp, do vậy, trong thời gian tới, rất cần sự quan tâm đầu tư của T.Ư và TP.
Gia Lâm còn có các di tích cách mạng kháng chiến nổi tiếng như: Làng cách mạng xã Trung Mầu, làng Cam (xã Cổ Bi), làng Giao Tất (xã Kim Sơn), làng Đào Xuyên, làng Thuận Tốn (xã Đa Tốn)… |