Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá lợn hơi giảm sâu, chăn nuôi nông hộ lựa chọn “treo chuồng”

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Giá lợn hơi liên tục giảm sâu trong khi chi phí chăn nuôi tăng, dịch bệnh luôn rình rập, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã chọn giải pháp “treo chuồng”, để tránh rơi vào cảnh thua lỗ.

 Chăn nuôi lợn tại Chuyên Mỹ, Phú Xuyên
Giá lợn liên tục giảm sâu
Ghi nhận giá lợn hơi ngày 20/7, tại cả 3 miền đều đồng loạt giảm giá, có nơi giảm đến 5.000 đồng/kg. Cụ thể, giá lợn hơi tại thị trường miền Bắc điều chỉnh giảm từ 1.000 – 2.000 đồng/kg và dao động quanh mức 56.000 – 59.000 đồng/kg. Trong đó, Bắc Giang giảm 2.000 đồng/kg, hiện giao dịch ở mức 57.000 đồng/kg. Cùng mức giá này còn có Hưng Yên và Hà Nam khi điều chỉnh giảm 1.000 đồng/kg. Tại miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn cũng ghi nhận mức giảm tới 4.000 đồng/kg so với ngày hôm qua. Cụ thể, tại tỉnh Lâm Đồng giảm 4.000 đồng/kg xuống còn 56.000 đồng/kg; tại Quảng Bình cũng đang thu mua lợn hơi với giá 62.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg; các tỉnh thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận duy trì giá giao dịch là 58.000 đồng/kg.
Tại các tỉnh miền Nam, giá lợn hơi ghi nhận mức giảm sâu nhất, trong đó, TP Hồ Chí Minh và Bình Dương cùng giảm 5.000 đồng/kg xuống mức 53.000 đồng/kg và 56.000 đồng/kg. Tương tự, sau khi giảm 4.000 đồng/kg, Tây Ninh và Long An lần lượt thu mua lợn hơi với giá 54.000 đồng/kg và 58.000 đồng/kg. Còn tại các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Cà Mau và Bến Tre đang thu mua lần lượt là 54.000 – 58.000 đồng/kg, giảm 1.000 – 2.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi giảm cũng kéo theo giá thịt lợn trên thị trường giảm tương đương. Ông Đào Quang Vinh - Chủ cơ sở giết mổ lợn ở huyện Thường Tín cho biết, giá lợn móc hàm xuất tại lò mổ với giá 80.000 đồng/kg, giảm gần 30.000 đồng/kg so với đầu năm 2021.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, giá thịt lợn hơi tiếp tục giảm do thị trường tiêu thụ chậm. Nguyên nhân do dịch Covid-19 bùng phát, du lịch bị ngừng trệ, các nhà hàng, bếp ăn tập thể ngừng hoạt động… Mặt khác, giá lợn giảm còn là kết quả của quá trình phục hồi đàn lợn. Chỉ tính riêng đàn lợn của Hà Nội đã lên tới hơn 1,42 triệu con, tăng 3,67% so với cùng kỳ năm trước. Còn tổng đàn lợn cả nước đạt hơn 27 triệu con, tăng 11,6%, sản lượng thịt đạt hơn 2 triệu tấn, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước.
Chăn nuôi nhỏ lẻ “treo chuồng”
Giá lợn liên tục giảm trong khi chi phí chăn nuôi tăng phi mã (giá cám tăng 30%, chi phí phòng dịch) khiến người chăn nuôi lâm vào cảnh khó khăn. Trong đó, khó khăn nhất là những người chăn nuôi nhỏ lẻ. Để tránh thua lỗ, nhiều hộ dân đã chọn giải pháp tạm dừng chăn nuôi. Hộ ông Đồng Văn Đệ ở Hương Sơn, Mỹ Đức sau khi bán đàn lợn hơn 10 con hồi cuối tháng 6, đành để chuồng trống vì giá con giống cao. “Giá lợn giống hiện nay hơn 2 triệu/con, còn giá cám đã 10 lần tăng giá, do đó những người chăn nuôi nhỏ lẻ không chủ động được con giống sẽ không có lãi. Nên tôi tạm dừng vào đàn mới, chờ nghe ngóng thị trường một thời gian nữa” – ông Đệ cho hay.
Bà Nguyễn Thị Huế ở Đông Lỗ, Ứng Hòa vừa xuất bán 5 con lợn với giá 58.000 đồng/kg. Theo bà Huế, mức giá này đã giảm gần 10.000 đồng/kg so với cuối tháng 6/2021. Đây là mức giá thấp nhất trong hơn 1 năm nay. Với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nếu giá lợn dưới mức 55.000 đồng/kg thì cầm chắc thua lỗ.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường sẽ có nhiều biến động, nhiều chuỗi cung ứng thực phẩm bị đứt gãy, dự báo chăn nuôi lợn nông hộ sẽ thu hẹp. Do vậy, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ  cần chủ động chuyển đổi sang các loại vật nuôi khác như gia súc ăn cỏ, vật nuôi đặc sản…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, khi chăn nuôi công nghiệp phát triển, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khó có thể cạnh tranh về giá thành sản xuất nên các địa phương cần khuyến khích người dân chuyển đổi sang các loại vật nuôi khác phù hợp với nhu cầu thị trường.
Các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi cần chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước có thể thay thế được nguồn nhập khẩu để chế biến thức ăn hăn nuôi (bã sắn, cám gạo...). Các cơ quan quản lý cần tăng cường đánh giá, dự báo thị trường thịt lợn để điều chỉnh sản xuất một cách linh hoạt.