Giá lợn hơi hôm nay 1/8 tại miền Bắc: Tiếp tục đi ngang
Theo ghi nhận, giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc tiếp tục không có biến động so với hôm qua. Cụ thể, tại tỉnh Nam Định giá lợn hơi đang ở mức cao cao nhất toàn miền 92.000 đồng/kg.
Còn tại Hà Nội, Tuyên Quang, Hưng Yên, Lào Cai, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Yên Bái, Thái Nguyên, Ninh Bình, Phú Thọ giá lợn hơi được thu mua với mức từ 90.000 - 91.000 đồng/kg.
Như vậy, giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc dao động trong khoảng từ 90.000 - 92.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi hôm nay 1/8: Nguồn cung thiếu, giá vẫn neo ở mức cao. |
Giá lợn hơi hôm nay 1/8 tại miền Trung - Tây Nguyên: Không thay đổi
Tương tự miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay tại miền Trung - Tây Nguyên đi ngang so với hôm qua. Cụ thể, tại tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận giá lợn hơi hôm nay không thay đổi, hiện được thu mua từ 85.000 - 88.000 đồng/kg.
Còn tại Đắk Lắk, Bình Định, Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi giá lợn hơi đang ở mức thấp từ 81.000 - 84.000 đồng/kg.
Như vậy, giá lợn hơi hôm nay tại miền Trung - Tây Nguyên đang dao động trong khoảng từ 81.000 - 88.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi hôm nay 1/8 tại miền Nam: Giảm nhẹ
Cụ thể, toàn miền có duy nhất tỉnh Đồng Nai giá lợn hơi hôm nay báo giảm 3.000 đồng/kg xuống mức 89.000 đồng/kg.
Các địa phương còn lại không thay đổi. Tại các tỉnh như Cà Mau, Bình Dương, Bình Phước, Vĩnh Long, Long An, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang giá lợn hơi dao động từ 87.000 - 89.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Vũng Tàu giá lợn hơi được thu mua với mức thấp hơn 85.000 - 86.000 đồng/kg.
Như vậy, giá lợn hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng từ 85.000 - 89.000 đồng/kg.
Nguồn cung mới chỉ đáp ứng được 80% nhu cầu
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), hiện nguồn cung thịt lợn mới chỉ đáp ứng được 80% nhu cầu tiêu thụ trong nước. Chính vì nguồn cung đang bị thiếu hụt nghiêm trọng nên 3 phương án để ổn định thị trường cũng đang được Bộ NN&PTNT ráo riết triển khai. Đó là tái đàn, phương án nhập 10.000 tấn thịt và cho nhập lợn sống về. Tuy nhiên, cả 3 giải pháp này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu trong nước.
Đến nay, đã có khoảng 9.000 con lợn sống được 7 doanh nghiệp trong nước nhập khẩu chính thức từ Thái Lan về Việt Nam, trong đó lợn nhập đưa về thị trường miền Nam chưa tới 3.000 con. Số lượng lợn nhập này chỉ như "muối bỏ bể" nên giá thịt lợn tháng 7 vẫn ở mức cao, tương đương với cuối tháng 6, chứ không xuống mức 70.000 đồng/kg như kỳ vọng.
Nguyên nhân được các doanh nghiệp đưa ra là do nguồn cung trong nước vẫn thiếu, trong khi nguồn nhập khẩu từ Thái Lan cũng hạn chế và giá nhập khẩu đã tăng cao. Thịt lợn sống nhập từ Thái Lan khoảng 55.000 - 60.000 đồng/kg, khi về đến Việt Nam cộng thêm các khoản phí như: Tiền vận chuyển từ cửa khẩu về trại, chi phí hao hụt, kiểm dịch, lãi suất ngân hàng..., giá lợn hơi bán ra cũng vào khoảng 80.000 đồng/kg, thấp hơn thịt lợn trong nước không nhiều.
Thêm vào đó, thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan và Bộ Công thương cho biết, thời gian qua, do dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở Trung Quốc và các nước láng giềng của Thái Lan khiến nhu cầu xuất khẩu lợn từ Thái Lan sang các nước này tăng lên. Điều này dẫn tới giá thịt lợn tại thị trường nội địa Thái Lan tăng lên. Vì vậy, Bộ Thương mại Thái Lan cho biết sẽ giảm xuất khẩu thịt lợn do thiếu nguồn cung và giá tăng, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, nước này cũng sẽ cắt bỏ các chi phí trung gian để neo giá thịt lợn.
Đối với thịt lợn nhập khẩu, hiện nay người tiêu dùng trong nước vẫn giữ thói quen dùng thịt "nóng", do đó thịt lợn nhập khẩu vẫn khó tiêu thụ. Ghi nhận tại các siêu thị cho thấy, sản phẩm thịt nhập khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 3 - 5% so với thịt lợn tươi trong nước và chủ yếu là móng giò, sườn, ba chỉ...