Giá lợn hơi tại miền Bắc
Cụ thể, tại tỉnh Thái Nguyên giá lợn hơi báo tăng nhẹ 1.000 đồng/kg, hiện được thu mua với mức 55.000 đồng/kg.
Các địa phương như Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Ninh Bình, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định giá lợn hơi ở mức 54.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Tuyên Quang giá lợn hơi đang ở mức thấp nhất toàn miền 51.000 đồng/kg.
Như vậy, giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc đang dao động trong khoảng từ 51.000 - 54.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi tại miền Trung - Tây Nguyên
Cụ thể, tại tỉnh Thanh Hóa giá lợn hơi tăng 1.000 đồng/kg lên 55.000 đồng/kg. Ngược lại, giá lợn hơi tại Bình Định lại giảm 1.000 đồng/kg xuống mức 53.000 đồng/kg.
Các địa phương còn lại không thay đổi. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Thuận giá lợn hơi ở mức 54.000 - 55.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Đắk Lắk, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Thuận, Quảng Trị giá lợn hơi được thu mua với mức 52.000 - 53.000 đồng/kg.
Như vậy, giá lợn hơi hôm nay tại miền Trung - Tây Nguyên dao động trong khoảng từ 52.000 - 55.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi tại miền Nam
Cụ thể, tại tỉnh Bình Dương, Hậu Giang giá lợn hơi đồng loạt giảm 1.000 đồng/kg xuống lần lượt 51.000 đồng/kg và 53.000 đồng/kg.
Các địa phương còn lại không thay đổi so với hôm qua. Tại Đồng Nai, Sóc Trăng, Long An, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Vũng Tàu, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang giá lợn hơi hôm nay đang ở mức 52.000 - 53.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Tháp giá lợn hơi đang ở mức thấp 50.000 - 51.000 đồng/kg.
Như vậy, giá lợn hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng từ 50.000 - 53.000 đồng/kg.
Để tránh thua lỗ, nhiều hộ dân "treo chuồng"
Chỉ vài ngày sau khi TP Hồ Chí Minh, sau đó đến Đồng Nai và Bình Dương áp dụng giãn cách xã hội, giá lợn hơi tại các địa phương này giảm mạnh, người chăn nuôi lỗ nặng do bán dưới giá thành nhưng vẫn không tìm được người mua. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng "phi mã". Do đó, để tránh thua lỗ, nhiều hộ dân đã chọn giải pháp "treo chuồng".
Đơn cử như gia đình ông Nguyễn Văn Phúc (ở Hương Sơn, Mỹ Đức), sau khi bán đàn lợn hơn 10 con hồi cuối tháng 6, đành để chuồng trống vì giá con giống và giá cám cao.
"Giá lợn giống hơn 2 triệu/con, còn giá cám đã 8 - 9 lần tăng giá, do đó, những người chăn nuôi nhỏ lẻ không chủ động được con giống sẽ không có lãi. Nên tôi tạm dừng vào đàn mới, chờ nghe ngóng thị trường một thời gian nữa" - ông Phúc trần tình.
Cùng cảnh, ông Phạm Văn Lâm (ở huyện Tân Phú, Đồng Nai) cho biết lứa lợn hơn 250 con đã đến ngày xuất chuồng nhưng thương lái từ chối đến lấy hàng với lý do việc đi lại gặp khó khăn.
"Với giá bán hiện nay, dù lỗ nặng nhưng muốn bán cắt lỗ cũng không được do mức tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh đã giảm 30 - 40% kể từ khi thực hiện giãn cách, dẫn đến ùn ứ tại các trang trại, trong khi đó, lợn vẫn phải cho ăn hàng ngày, giá bán ngày càng giảm nên thua lỗ ngày càng tăng" - ông Lâm than thở.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, giá thịt lợn hơi tiếp tục giảm do thị trường tiêu thụ chậm. Dịch Covid-19 bùng phát, du lịch bị ngừng trệ, các nhà hàng, bếp ăn tập thể ngừng hoạt động..., điều này tác động trực tiếp đến việc tiêu thụ thực phẩm, trong đó có mặt hàng thịt lợn.
Để tránh rơi vào cảnh thua lỗ, thời gian tới, các hộ chăn nuôi cần tính toán phương án sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường. Mặt khác, các cơ quan chức năng tham mưu Chính phủ có chính sách miễn thuế, giảm lãi suất vay cho các doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn để hạ giá thành bán ra thị trường.