Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá lợn tăng cao kỷ lục, Bộ Nông nghiệp đã làm hết trách nhiệm?

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan tới thông tin cho rằng Bộ NN&PTNT né tránh trách nhiệm khi để thị trường thịt lợn bị “vỡ trận”, Bộ NN&PTNT đã lên tiếng phản hồi.

Theo Bộ NN&PTNT, đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc để giá lợn bị đẩy lên cao và thiếu hụt thịt lợn thời gian qua. Tuy nhiên, trong 10 tháng dịch tả lợn châu Phi bùng phát, Bộ cũng đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, các địa phương, nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khống chế dịch bệnh, bảo đảm nguồn cung thực phẩm.
Số lượng lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi đang giảm dần.
Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, so với quốc gia láng giềng là Trung Quốc, nơi đã có gần 50% sản lượng lợn bị thiệt hại, số lượng lợn bị tiêu hủy do dịch tả châu Phi trong nước đã được giảm ở mức thấp nhất có thể.
Cụ thể, lũy kế từ đầu tháng 2/2019 đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8.526 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, TP. Tổng số lợn bị tiêu hủy gần 6 triệu con, với tổng trọng lượng là 342.802 tấn (chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng lợn của cả nước).
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó chỉ đạo điều hành của Bộ NN&PTNT, dịch bệnh đã giảm mạnh từ tháng 6/2019 đến nay. Cụ thể, đã có 6.020 xã (chiếm 71% tổng số xã có dịch) thuộc 412 huyện của 56 tỉnh, TP đã qua 30 ngày. Đặc biệt, tỉnh Hưng Yên và Hải Dương đã hết dịch.
Ngoài ra, 21 tỉnh, TP khác đã có trên 85% số xã đã qua 30 ngày. Dự báo hết tháng 12/2019, số lợn buộc tiêu hủy là khoảng 50.000 con, giảm 67% so với tháng 11/2019 và giảm 96% so với tháng 5/2019 (tháng cao điểm, buộc phải tiêu hủy hơn 1,27 triệu con lợn).
Cùng với nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, Bộ NN&PTNT đã chủ trương phát triển chăn nuôi gia súc khác, gia cầm và thủy sản thay thế. Đến nay, tổng sản lượng các loại thực phẩm khác tăng hơn 400.000 tấn so với năm 2018. Một phần phục vụ cho tăng trưởng, một phần bù đắp thiếu hụt do dịch tả lợn châu Phi.
Để giảm khối lượng thịt lợn thiếu hụt, Bộ NN&TNT đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương chủ động tái đàn. Đến nay, đã có kết quả và có thịt lợn cung cấp cho thị trường. Mặt khác, người chăn nuôi đặc biệt quan tâm, biết cách áp dụng có hiệu quả các biện an toàn sinh học và vệ sinh phòng bệnh.
Cùng với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, trang trại quy mô vừa, sự tham gia của các doanh nghiệp cũng đáng ghi nhận. Bộ NN&PTNT đã tổ chức nhiều cuộc họp với đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp chăn nuôi lớn nhằm kêu gọi các doanh nghiệp chung tay trong kiểm soát giá cả thị trường và bảo đảm nguồn cung.
Các doanh nghiệp đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư giữ đàn lợn cụ kỵ, ông bà; nhờ đó,hiện cảnước vẫn còn khoảng 109.000 con lợn giống (chiếm 90% tổng đàn lợn giống).
Giá thịt lợn vẫn đang ở mức cao.
Tổ chức triển khai nghiên cứu các giải pháp hệ sinh thái phòng chống dịch bệnh, trong đó đang tập trung vào các giải pháp an toàn sinh học có kết quả tốt; nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng bệnh bước đầu có kết quả khả quan. Đồng thời, phối hợp và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh và nghiên cứu sản xuất vắc xin dịch tả lợn châu Phi.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, để bảo đảm nguồn cung thịt lợn vào dịp Tết Canh Tý 2020, vừa qua, Bộ tiếp tục có hai văn bản gửi UBND các tỉnh, TP và các doanh nghiệp tich cực triển khai việc tái đàn lợn theo quy định nhằm sớm bình ổn giá thịt lợn. Chính quyền cơ sở và cơ quan thú y các địa phương tổ chức kiểm tra, xác nhận điều kiện nuôi tái đàn.
Bộ cũng đã chỉ đạo các tỉnh, TP hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi, các trang trại, gia trại có điều kiện bảo đảm chăn nuôi an toàn sinh học được tái đàn và phát triển đàn lợn tại địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển sản xuất, chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, thuỷ sản, đảm bảo 3 nguyên tắc an toàn sinh học, cân bằng cung cầu và an sinh xã hội.
Đặc biệt, Bộ NN&PTNT đề nghị các doanh nghiệp chăn nuôi tuyệt đối không tham gia, tiếp tay cho các hoạt động vận chuyển, giết mổ lợn, buôn bán trái phép lợn, các sản phẩm lợn qua biên giới. Cùng với đó, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về nguồn cung và giá mặt hàng thịt lợn để người sản xuất và tiên dùng biết, tránh hiện tượng găm hàng, thổi giá lên cao.