Cũng chỉ là kiếm ít mồi về cho mấy con vịt cỏ thả vườn, rồi tiện tay ông nhặt nhạnh những vỏ chai nhựa mà những người đi bón phân hay phun thuốc cho lúa, rau màu xong vứt lại. Bên bờ ruộng hay vệ mương ngày càng có nhiều vỏ chai, túi ni lông đựng thuốc bảo vệ thực vật vì ai cũng nghĩ, chăm sóc ruộng lúa nhà mình cho tốt chứ hơi sức đâu mà vứt rác vào chỗ để thu gom. Việc làm của ông không làm ảnh hưởng tới ai, ấy vậy mà nhiều người vẫn cười cợt và "dành" cho ông những câu nói đại loại như: “Đúng là thừa cơm", "dỗi hơi", hay "dở hơi cám hấp, rước mấy cái của nợ ấy về làm gì cho bẩn nhà"… Mặc cho bao người muốn nói gì thì nói, hàng ngày ông Tâm vẫn làm công việc "dỗi hơi" ấy. Nếu được hỏi: "Lại đi nhặt rác à, ông Tâm ơi!", ông lại cười khà khà với câu nói quen thuộc: "Kệ tôi, đồ người ta vứt đi thì tôi nhặt về, cái gì dùng được thì giữ lại bán đồng nát, không thì gom lại để hôm nào xe thu gom rác của xã chạy qua, tôi bỏ vào thôi". Thiết nghĩ, giá mà bà con nông dân ai cũng có suy nghĩ và hành động như ông Tâm "hâm" thì tốt biết bao. Vì như vậy, người dân vừa có ý thức trong việc thu gom rác, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường đồng ruộng của chính mình.