Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá ôtô giảm mạnh: Mua ngay hay tiếp tục chờ?

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc đua giảm giá ôtô đang được các hãng xe lớn triển khai rầm rộ khiến nhiều người đứng ngồi không yên. Thế nên câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất hiện nay là mua ngay hay chờ tiếp tục giảm giá.

Chắc chắn chưa đến "đáy"

Giá nhiều mẫu ôtô “hot” gần đây tiếp tục lao dốc. Hai mẫu xe bán chạy nhất thời gian qua của Toyota là Vios và Innova tiếp tục giảm giá từ 15 - 30 triệu đồng. Mẫu SUV Fortuner không đủ hàng giao cho khách cũng vừa có thông báo giảm giá, khoảng 25 triệu đồng/chiếc.

Cuối tháng 8, Honda đã tuyên bố giảm giá chiếc xe chiến lược CR-V với mức giảm lên tới 300 triệu đồng, khiến chiếc xe đối thủ cạnh tranh hàng đầu là Mazda CX5 đứng trước một thách thức lớn. Nissan không giảm trực tiếp nhưng sẽ tặng các khoản tiền mặt lên đến 35 triệu đồng cho người mua, đồng thời hỗ trợ lệ phí trước bạ theo cách Toyota áp dụng trị giá từ 13,3 - 29,8 triệu đồng. Cộng với các gói phụ kiện, tổng trị giá đợt kích cầu mà Nissan Việt Nam áp dụng cho mỗi chiếc xe xấp xỉ 50 triệu đồng.

Khách chọn mua ô tô tại một cửa hàng trên đường Phạm Hùng. Ảnh: Chiến Công

Các hiệu xe nhập khẩu (NK) cũng phải giảm giá bán, đồng thời phải tính toán lại chiến lược việc đưa các dòng xe mới nhập về. Volkswagen Touareg giảm 300 triệu đồng, Jaguar XF giảm 400 triệu đồng, trừ vào thuế trước bạ và hỗ trợ bảo hiểm xe.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, thời gian tới, giá ôtô chắc chắn sẽ còn tiếp tục giảm. Nguyên nhân là vì từ năm 2018, thuế NK ô tô nguyên chiếc giảm về 0% theo các cam kết Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). Một số loại thuế NK linh kiện cũng đang được Bộ Tài chính đề xuất giảm. Vì thế, kể cả các sắc thuế nội địa như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường… có tăng thì mức tăng không đáng kể so với việc giảm sâu thuế NK. Hơn nữa, một số loại thuế tăng nhưng chỉ tăng ở dòng xe dung tích lớn, phát thải nhiều.

Cạnh tranh tiếp tục tăng

Mới đây, Bộ Tài chính đã đưa ra một loạt đề xuất giảm thuế NK linh kiện ôtô trong 5 năm từ năm 2018 - 2022 để lắp ráp cho 2 nhóm xe. Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Nguyễn Thị Thanh Hằng cho biết, quy định này có thể khuyến khích DN sản xuất lắp ráp ôtô giảm giá bán, nâng cao sự cạnh tranh so với xe NK. Chương trình 5 năm này sẽ có tính chất quyết định cho sự tồn tại, phát triển của các DN sản xuất, lắp ráp ôtô. Chương trình tương tự cũng được các nước như Indonesia, Malaysia thực hiện và đã rất thành công.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án. Một là nhóm xe chở người dưới 9 chỗ, có dung tích xi lanh từ 2.000cc trở xuống, tiêu hao nhiên liệu dưới 7lít/100km, tiêu chuẩn khí thải mức 4 (giai đoạn 2018 - 2021); mức 5 từ năm 2022 trở đi. Hai là nhóm xe tải có tổng trọng lượng có tải từ 5 tấn trở xuống, tiêu chuẩn khí thải mức 4 (giai đoạn 2018 - 2021); mức 5 từ năm 2022 trở đi.

Về mức giảm thuế cụ thể, Bộ Tài chính cũng đưa ra 2 lựa chọn: Một là giảm thuế NK của 163 dòng thuế linh kiện ôtô NK để lắp ráp cho 2 nhóm xe trên về 0%. Phương án hai, đề xuất giảm thuế NK của 19 dòng thuế linh kiện là động cơ, hộp số, cụm truyền động, bơm cao áp để lắp ráp cho 2 nhóm xe trên từ mức 3 - 50% hiện tại về 0%.

Ngoài ra, cũng theo đại diện Bộ Tài chính, thời gian qua, nhiều ý kiến đã gửi về Bộ đề xuất nên mở rộng giảm thuế về 0% tất cả các loại linh kiện ôtô chứ không chỉ 163 dòng thuế như phương án của ngành tài chính. “Các DN nêu nhiều lý lẽ rất thuyết phục và phía cơ quan chức năng đang tổng hợp để báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính” - bà Hằng thông tin.

Mới đây, sự kiện Tập đoàn Vingroup khởi công Tổ hợp sản xuất ôtô Vinfast quy mô 3,5 tỷ USD, tỷ lệ nội địa hóa lên tới 60% đã khiến giấc mơ tạo ra những chiếc ôtô thương hiệu Việt thêm rõ ràng. Phó Chủ tịch Vingroup Nguyễn Việt Quang cho hay, Vinfast ưu tiên mua các linh kiện, phụ kiện mà các nhà sản xuất trong nước đang làm được, đồng thời sẽ hỗ trợ, hợp tác để có thêm nhiều nhà sản xuất các linh kiện, phụ kiện tại Việt Nam, đồng thời thúc đẩy được sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô và các ngành công nghiệp phụ trợ. Hiện, DN này đã ký hợp đồng hợp tác, tư vấn với các đối tác hàng đầu thế giới. Các chuyên gia công nghệ và sản xuất ôtô hàng đầu thế giới của một số nhãn hiệu cũng được Vinfast chiêu mộ. Dự kiến, tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast sẽ cần đến ít nhất là 2 năm để cho ra đời sản phẩm ôtô “made in Việt Nam” mà DN này đang ấp ủ.

Người tiêu dùng cần bình tĩnh chờ đợi, tính toán kỹ để lựa chọn thời điểm mua phù hợp, tránh bị các nhà phân phối ôtô quảng cáo, kích thích rằng đây là thời điểm giá xe giảm đến "đáy" để mua vội.

TS Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế