Giá tăng 30%Với diện tích hơn 50ha trồng rau đã được cấp giấy chứng nhận vùng sản xuất an toàn, vụ rau Tết năm nay, người dân xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ tập trung trồng rau bắp cải, su hào. Nhờ kinh nghiệm trồng rau lâu năm, cộng với áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến nên toàn bộ diện tích rau sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao.Bà Nguyễn Thị Ngát, thôn Phú An, xã Thanh Đa cho hay: “Vụ rau Tết năm nay gia đình tôi trồng hơn 6 sào bắp cải. Nhờ chủ động làm vòm che phủ nilon nên ruộng rau tránh được mấy đợt mưa, rét đậm vừa qua. Nếu cứ giữ mức giá này thì vụ rau Tết năm nay, tôi cũng thu được vài chục triệu đồng” – bà Ngát phấn khởi nói.Tại cánh đồng rau của xã Văn Phú, huyện Thường Tín, anh Nguyễn Văn Đạt cũng tất bật chăm sóc ruộng rau của gia đình. Anh Đạt phấn khởi nói, cách đây một tháng, giá bắp cải giao tại ruộng chỉ được 6.000 – 7.000 đồng/kg, thì nay đã tăng lên 10.000 đồng/kg, su hào cũng tăng từ 4.000 đồng/củ lên 6.000 đồng/củ… Với 4 sào trồng su hào và bắp cải phục vụ thị trường Tết, anh Đạt nhẩm tính sẽ thu không dưới 20 triệu đồng.Hiện giá rau xanh trên thị trường đã tăng lên khoảng 30% so với ngày thường. Với mức giá này, người trồng rau có thu nhập khá, hứa hẹn sẽ có một cái Tết ấm no.Không lo thiếu rauPhó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết: Tết Nguyên đán là dịp người dân tiêu thụ thực phẩm tăng mạnh nhất trong năm, đặc biệt là các loại rau xanh, củ, quả… Để chủ động cung ứng nguồn rau xanh phục vụ thị trường, ngay từ đầu vụ, Sở NN&PTNT Hà Nội đã có kế hoạch chỉ đạo các địa phương cân đối diện tích, cơ cấu chủng loại rau xuống giống hợp lý, đảm bảo đủ nguồn hàng phục vụ Tết. Vụ rau Tết năm nay, toàn TP gieo trồng khoảng 8.700ha, dự kiến cho thu hoạch 190.000 tấn rau các loại. Thời tiết từ đầu năm 2019 đến nay khá thuận để một số loại rau màu ngắn ngày phát triển. “Ngoài ra, Hà Nội còn đang liên kết với hơn 40 tỉnh, thành để cung ứng rau xanh cho thị trường Thủ đô. Vì vậy, người tiêu dùng không lo thiếu nguồn rau phục vụ Tết” – ông Đại khẳng định.Ngoài việc tăng diện tích, sản lượng, vài năm gần đây, Hà Nội còn tập trung nâng cao về chất lượng rau màu. Điều đó được thể hiện qua diện tích trồng rau được cấp giấy chứng nhận vùng sản xuất an toàn liên tục tăng. Hiện, toàn TP có 5.000ha rau màu đã được chứng nhận là vùng rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đặc biệt, để đảm bảo chất lượng rau màu, hạn chế việc người nông dân sử dụng các loại thuốc kích thích tăng trưởng, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường hướng dẫn và giám sát bà con áp dụng các quy trình sản xuất an toàn. Đồng thời khuyến khích phát triển sản xuất vùng chuyên canh tập trung, hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, chế phẩm sinh học. Từ đó đã góp phần thay đổi tư duy về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của người dân, chuyển dần từ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học sang các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, chế phẩm sinh học nhằm bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.