Kinhtedothi - Ngày 20/4 là thời điểm các DN sữa áp dụng mức giá bán mới đã kê khai lại theo yêu cầu của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, thị trường sữa vẫn chưa có nhiều chuyển biến, bởi hầu hết các cửa hàng còn chưa nhận được thông báo về việc giảm giá sữa từ phía nhà cung cấp.
Chưa nhận được thông báo giảm giá
Khảo sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị chiều ngày 20/4 cho thấy, rất nhiều đại lý vẫn chưa giảm giá sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi. Tại một đại lý sữa trên phố Bạch Mai, anh Hậu - chủ cửa hàng cho biết, các hãng sữa vẫn chưa có thông báo giảm giá theo yêu cầu mới, bởi trước khi triển khai áp dụng giảm giá, người của các công ty sữa phải xuống kiểm kê các mặt hàng tồn giá cũ để bù giá cho đại lý, tuy nhiên, lần này cũng chưa thấy. “Có chăng chỉ là mức giá đã được thông báo trước đó đối với các sản phẩm mới ra và những sản phẩm này đều có xu hướng nhích lên.
Cụ thể, Enfa Grow 3 Brain Plus 900g là 420.000 - 435.000 đồng/hộp, Abbott Grow số 3 loại 900g: 260.000 - 270.000 đồng/hộp, Similac Gain Plus TQ số 3 loại 900g: 400.000 - 410.000 đồng/hộp, Friso Gold số 3 loại 1,5kg: 595.000 - 615.000 đồng/kg…” - anh Hậu cho hay.
Trong khi đó, tại các cửa hàng kinh doanh sữa khác trên phố Nguyên Hồng, Chùa Bộc…, nhiều loại sữa trong danh mục 50 sản phẩm kê khai giảm giá không được bày bán. Lý do được các chủ cửa hàng giải thích, đó đều là các sản phẩm mới nên cửa hàng chưa nhập vào. “Trước đây, sữa công thức các loại dành cho trẻ từ 0 - 6 tháng tuổi, từ 6 tháng - 12 tháng, từ 1 - 3 tuổi, từ 3 tuổi trở lên…, nay bị bất ngờ thay đổi theo chuẩn mới, theo đó, tách sữa dành cho trẻ từ 1 - 3 tuổi thành 2 loại: 1 - 2 tuổi và từ 2 - 4 tuổi. Sữa mới dành cho trẻ 1 - 2 tuổi có Alpha Gold, sữa Tò Mò của Dutch Lady...
Đặc biệt, các sản phẩm sau khi tách độ tuổi nhưng không có khác biệt về công thức, điều này được thể hiện trên bao bì, nhưng giá của những sản phẩm mới này lại cao hơn, như Enfamil A+ 360 loại Brain Plus đã thay đổi về độ tuổi dành cho trẻ và giá bán được điều chỉnh tăng thêm. Tương tự, hàng loạt sản phẩm của các hãng khác như Friesland Campina, Friso… cũng điều chỉnh độ tuổi dùng sữa và giá bán.
Cụ thể, các mẫu sản phẩm mới dòng Dutch Lady của Công ty Friesland Campina như Dutch Baby Gold Mau lớn, Tập đi, Khám phá… có giá bán cao hơn các sản phẩm cũ từ cả vài chục đến cả vài trăm ngàn đồng/hộp.
Thực tế, dù được yêu cầu áp dụng từ ngày 20/4, nhưng thông tin từ Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A, phải tới ngày 22/4, công ty này mới có 8 mẫu sản phẩm của Abbott giảm giá và hầu hết các sản phẩm chỉ giảm 1 - 1,5%. Công ty TNHH Nestlé Việt Nam chỉ đăng ký 4 sản phẩm sữa bột giảm giá nhưng trong đó có một sản phẩm không còn kinh doanh, còn 3 sản phẩm chỉ giảm giá ở mức rất “khiêm tốn”.
Khó kiểm soát từ chi phí gốc
Theo yêu cầu của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), các DN sản xuất, kinh doanh sữa phải loại bỏ chi phí quảng cáo ra khỏi cơ cấu giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi theo đúng Nghị định 100/2014 của Chính phủ. 50 dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi phải kê khai lại lần này phải giảm giá từ 0,4 - 4% tùy theo dòng sản phẩm. Đây cũng là lần giảm giá thứ hai kể từ khi thực hiện xác định giá tối đa đối với các dòng sản phẩm này.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú, mức giảm 0,4 - 4%, tức là phổ biến chỉ giảm một vài ngàn đồng/hộp sữa có giá vài trăm ngàn đồng là không đáng kể so với mức giá tăng của sản phẩm mới nhưng chất lượng không hơn sản phẩm cũ. “Để đảm bảo lợi nhuận của mình, DN có cách để đưa ra cấu trúc giá mới để kể cả siết theo quy định thì mức giá mới không thấp hơn giá cũ bao nhiêu” - ông Phú phân tích. Khi DN cho ra dòng sản phẩm cho trẻ 1 - 2 tuổi để phù hợp với quy định thì trước đó, DN đã thực hiện việc thăm dò thị trường về một mức giá phù hợp mà vẫn có được mức lợi nhuận cần thiết.
Kết quả thanh tra do Bộ Tài chính tiến hành tại 5 DN sữa được công bố tháng 4/2014 cho thấy, chi phí quảng cáo, khuyến mãi, tiếp thị đã làm giá sữa tăng từ 2,18 - 16,39%. “Khi tách bỏ chi phí quảng cáo, lẽ ra mức giảm giá sữa phải tương ứng mức tăng trên, chưa kể nguyên liệu thế giới đã giảm mạnh” - chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định. Theo ông Long, khó để giá sữa giảm được bởi không dễ để xác minh là DN có hưởng lợi nhuận cho dù chi phí quảng cáo không được tính vào giá thành sữa. Bởi chi phí quảng cáo từ trước đến nay đều được DN tính vào giá. Nếu chúng ta kiểm toán tốt, bóc tách ra được thì có thể bắt DN giảm giá sữa nhưng điều này là rất khó. Chưa kể, phần lớn nhất trong cơ cấu giá hiện nay chưa được kiểm soát đến nơi đến chốn là giá nhập khẩu. Giá nhập khẩu không được đối chiếu, so sánh với các nước cùng khu vực là bất cập trong quản lý.
Người tiêu dùng chọn mua sữa tại một cửa hàng trên đường Tây Sơn, quận Đống Đa. Ảnh: Công Hùng
|
Trong một văn bản công bố cuối tuần qua, Cục Quản lý giá cho biết, sẽ thường xuyên rà soát các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 20 tháng tuổi. Ngoài 50 sản phẩm, nếu có sản phẩm mới thì cũng sẽ rà soát chặt chẽ. Trước thực trạng một số dòng sữa đã được DN nhanh chóng phân loại lại tuổi người sử dụng và tăng giá với dòng sữa cho trẻ em dưới 2 tuổi vì lý do thay đổi công thức, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá khẳng định, Cục hoàn toàn nắm được tình hình này. Tuy nhiên, việc phân loại do các DN đăng ký với Bộ Y tế. Bộ Tài chính chỉ tiến hành đánh giá, rà soát sau khi DN được cấp phép. |