Theo đó, giá sữa do Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn chi tiết danh mục mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Tuy nhiên, kể từ khi tiếp nhận (từ đầu năm 2017) đến nay cũng như khi biện pháp bình ổn giá sữa sắp được dỡ bỏ (dự kiến trong tháng 3 này), Bộ Công Thương vẫn chưa có phương án thay thế.
Thông tin này làm nhiều người nhớ đến câu chuyện hiệu quả trong việc quản lý của hơn một bộ đã khiến DN sản xuất, kinh doanh gặp không ít khó khăn, còn người tiêu dùng vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi. Cụ thể như mặt hàng sữa. Trước khi Chính phủ quyết định chuyển việc quản lý giá sữa về cho Bộ Công Thương, mặt hàng này đã chịu sự quản lý khá rối rắm, chằng chịt do liên quan tới 4 bộ. Bộ NN&PTNT có trách nhiệm với sữa tươi nguyên liệu; Bộ Y tế lo về các loại vi chất bổ sung vào sữa; Bộ Công Thương quản lý ATTP với hàng loạt loại sữa; Bộ Tài chính là việc quản lý giá, bình ổn mặt hàng này. Vậy nhưng, khi đi vào thực tế quản lý thì mọi chuyện lại không hề đơn giản. Hộ nông dân nuôi bò, làm ra sữa tươi nguyên liệu nhưng còn có thể chế biến sữa thành nhiều sản phẩm để bán. Vì vậy, khi đi kiểm tra buộc phải có đại diện ba cơ quan cùng đi. Tuy nhiên, lại không có ai có thể đứng ra ký biên bản bởi mỗi thành viên lại chịu trách nhiệm ở từng lĩnh vực khác nhau. Hay như chuyện kiểm tra chuyên ngành ở khâu nhập khẩu với sữa bột và sản phẩm chế biến từ sữa, DN phải cùng lúc lấy mẫu để kiểm dịch và kiểm tra vệ sinh ATTP ở cả ngành nông nghiệp và công thương. Điều này không chỉ gây lãng phí thời gian mà DN còn gánh thêm chi phí. Đó là chưa kể sau đó là các thủ tục hành chính như kê khai, đăng ký giá, công bố chất lượng, gọi tên theo các quy chuẩn...
Từ đầu năm 2017, việc quản lý mặt hàng sữa sẽ chỉ còn 3 bộ, trong đó Bộ Công Thương vừa quản lý về ATTP, vừa chịu trách nhiệm về giá. Nói lại cách quản lý cũ để thấy nếu không có giải pháp hữu hiệu để quản lý mặt hàng này thì trong thời gian tới việc giảm đầu mối quản lý cũng chỉ là duy ý chí. Bởi thực tế mặc dù thời hạn bỏ áp trần giá sữa sắp hết hạn nhưng đến nay vẫn chưa có một lộ trình cụ thể sẽ tiếp tục quản lý mặt hàng này như thế nào. Trong khi ở cấp cơ sở vẫn nhùng nhằng việc chuyển giao từ phòng tài chính - kế hoạch sang phòng kinh tế các quận, huyện.
Đã có nhiều ý kiến về việc bỏ quy định áp trần giá sữa, đi cùng với đó là xây dựng được các tiêu chí rõ ràng, cơ chế khuyến khích tạo nguồn cung dồi dào, cạnh tranh lành mạnh bởi biện pháp áp trần giá sữa không thể tồn tại mãi được trong cơ chế thị trường. Tất nhiên không thể cứng nhắc là chỉ một bộ, ngành quản lý một mặt hàng nhưng nếu có hơn một bộ thì nhất định phải có cơ chế phối hợp rõ ràng, minh bạch, tránh tình trạng đá bóng trách nhiệm khi có sự cố xảy ra. Quan trọng hơn, mọi biện pháp quản lý đều phải hướng đến mục tiêu lớn nhất là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.