Theo thống kê của WTO, nhóm ngành các sản phẩm thép từ năm 1995 đến 30/6/2016 luôn có tổng số vụ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cao nhất, với 1.545 vụ điều tra về chống bán phá giá, 103 vụ điều tra về chống trợ cấp và 72 vụ điều tra về tự vệ thương mại.
Quan ngại gia tăng tự vệ thương mại với ngành thép
Tại các cuộc họp của Uỷ ban Tự vệ thương mại của WTO ngày 25/4/2016 và 24/10/2016, một số lượng lớn các thành viên WTO đã lên tiếng cảnh báo và bày tỏ quan ngại về sự gia tăng của việc sử dụng một trong các công cụ phòng vệ thương mại – biện pháp tự vệ, đặc biệt là trong ngành thép.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Các thành viên WTO này cho rằng việc áp dụng tự vệ chỉ nên được sử dụng hạn chế và chỉ trong các trường hợp ngoại lệ, bởi ảnh hưởng rộng lớn của biện pháp này đối với tất cả các nhà xuất khẩu sản phẩm, nhà nhập khẩu, người tiêu dùng, kinh tế - xã hội… Đặc biệt, đây là biện pháp phòng vệ thương mại duy nhất được áp dụng lên các hành vi cạnh tranh hoàn toàn công bằng, nên nhiều thành viên WTO cho rằng chính phủ của các quốc gia thành viên, với sự thận trọng cần thiết, phải đảm bảo chắc chắn rằng bất cứ hành động nào liên quan đến việc áp dụng biện pháp tự vệ cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của WTO.
Nhật Bản, Brazil, Canada, Úc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan, EU, Hong Kong và Trung Quốc tất cả đã bày tỏ quan ngại về việc gia tăng số lượng các hành động tự vệ được thông báo lên Uỷ ban Tự vệ WTO để rà soát. Các thành viên rà soát các vụ việc điều tra tự vệ thương mại liên quan đến 26 sản phẩm, trong đó đã có đến 17 sản phẩm thép.
Đại diện Chính phủ Nhật Bản cho rằng, tình trạng nguồn cung thép quá mức do việc mở rộng quy mô sản xuất tại một số quốc gia thành viên là nguyên nhân làm tăng nhanh chóng các biện pháp tự vệ toàn cầu. Cả Hoa Kỳ và Hàn Quốc đều khuyến nghị biện pháp tự vệ chỉ nên được sử dụng với cảnh báo lớn, đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực đối với thương mại quốc tế. Ngoài ra, Liên minh Châu Âu chỉ ra sự gia tăng nhanh chóng và mạnh mẽ các vụ tự vệ nhằm vào sản phẩm thép nhập khẩu và thuyết phục các thành viên nên xem xét các biện pháp khác thay cho tự vệ, cụ thể là chống bán phá giá, để chỉ nhắm đến một số nhà sản xuất cụ thể có hành vi cạnh tranh không công bằng.
Cần suy xét cẩn trọng
Một quốc gia đang phát triển đã tiến hành nhiều vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với thép phải kể đến là Ấn Độ. Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Ấn Độ Naushad Forbes cũng cho rằng, biện pháp tự vệ hiện nay đang áp dụng liên quan đến thép chỉ là một biện pháp ngắn hạn để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước hàng nhập khẩu giá rẻ. Nó cần phải nhanh chóng loại bỏ sự bảo hộ này đối với hàng hóa vì nó làm tăng giá bán của thép cho người tiêu dùng và cản trở thương mại tự do. Bên cạnh đó, Uỷ ban Tự vệ của WTO cũng thường xuyên rà soát các thông báo về việc áp dụng biện pháp tự vệ của các nước Chilê, Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ, Inđônêxia, Jordan, Morocco, Philippin, Nam Phi, Ukraine, Việt Nam, Zambia,…
Như vậy, đối với biện pháp tự vệ thương mại, mặc dù có thể được áp dụng theo WTO, tuy nhiên các quốc gia thành viên vừa phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện của Hiệp định, vừa phải có sự suy xét thật sự cẩn trọng, cân nhắc giữa sự cần thiết bảo hộ, mức độ bảo hộ với các tác động tiêu tực đến đến người tiêu dùng, kinh tế xã hội, khả năng bị yêu cầu bồi thường, rà soát bởi WTO, cũng như các chuẩn mực của thương mại công bằng trong giao thương quốc tế.
Từ bối cảnh thương mại thế giới và các quy tắc thương mại công bằng, các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng cần có sự xem xét thận trọng. Đó là điều hết sức cần thiết trong bối cảnh các vụ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ nhằm vào các sản phẩm thép hiện nay ngày càng gia tăng và có dấu hiệu bị “lợi dụng” để đạt được lợi ích cho một số nhóm doanh nghiệp nhất định.