Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gia tăng mối lo xuất khẩu giảm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số thống kê cho thấy, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 0,11% so với tháng 9, đưa CPI 10 tháng năm 2015 tăng thấp nhất so với cùng kỳ từ năm 2002 đến nay.

CPI sau 10 tháng năm 2015 thấp xa so với CPI bình quân cùng kỳ từ năm 2002 - 2014 (7,66%). Với diễn biến này, nhiều chuyên gia đã dự báo CPI cả năm 2015 không những thấp hơn mục tiêu kế hoạch cả năm (5%), mà còn thấp hơn năm 2014 (1,84%). Nếu dự báo đó là đúng thì năm 2015 là năm thứ tư, CPI liên tục tăng thấp và là năm thứ hai liên tục tăng rất thấp, còn thấp hơn ngưỡng định hướng của nhiều nước có nền kinh tế thị trường phát triển (2%).
Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Việc tăng rất thấp của CPI đã mang lại niềm vui cho người tiêu dùng. Nhưng các nhà hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô, các nhà sản xuất, kinh doanh vẫn còn băn khoăn, vì tồn kho vẫn còn cao, lợi nhuận còn quá thấp, phần tích lũy để tái đầu tư không được nhiều; trong khi mặt bằng lãi suất vẫn còn cao, nợ vẫn còn lớn... Những băn khoăn này xuất phát từ nhiều yếu tố. Mặc dù tăng trưởng sản xuất (GDP) cao lên, tích lũy và tiêu dùng cuối cùng đã tăng cao hơn GDP, nhưng nhập siêu 9 tháng qua đã lên tới 4,03 tỷ USD, nên đó là “tiêu thụ hộ”, tác động đến sản xuất không đầy đủ; nếu có tác động đến sản xuất thì cũng chủ yếu cho khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bởi khu vực này xuất khẩu (XK) tăng cao (9 tháng tăng 15,2%, nếu không kể dầu thô còn tăng tới 20,8%), còn khu vực trong nước XK giảm (3%), chẳng khác gì là “XK giùm”.

Giá lương thực năm trước tăng thấp, năm nay đã giảm trong nhiều tháng và tính chung 10 tháng đã giảm 2,4%... Trong khi giá nhập khẩu (NK) giảm, nhiều DN đã tranh thủ tăng mạnh NK về lượng, làm cho nhập siêu tăng. Giá dịch vụ giao thông 10 tháng giảm sâu (6,93%) chủ yếu do giá NK xăng dầu giảm mạnh (40,22%). Nhiều mặt hàng NK giá giảm đã làm lượng NK tăng (như lúa mì tăng 24,8%, ngô: 63,6%, đậu tương: 6,5%, xăng dầu: 7,4%, khí đốt hóa lỏng: 18,2%, phân bón các loại: 7,1%, chất dẻo nguyên liệu: 9,7%, sản phẩm từ giấy: 6%, bông các loại: 44,6%, xơ sợi dệt: 6%, sắt thép các loại: 37,7%, kim loại thường khác: 4,2%...).

CPI giảm và tăng thấp nhưng lãi suất huy động không giảm tương ứng, trái lại còn tăng để đáp ứng yêu cầu thanh khoản, làm cho lãi suất cho vay không giảm. DN vẫn còn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, nên số bị giải thể, phá sản, tạm ngừng hoạt động vẫn còn lớn và kéo dài, làm cho DN trong nước, nhất là DN tư nhân vẫn còn bị yếu trong cuộc cạnh tranh XK trên trường quốc tế.