Vừa qua, thương hiệu thép Hòa Phát điều chỉnh giảm 3.000 đồng/kg đối với thép xây dựng ở cả ba miền. Với giá thép CB240 và D10 CB300 tại miền Bắc lần lượt ở mức 16.900 đồng/kg và 17.500 đồng/kg, còn tại miền Nam khoảng 16.900 đồng/kg và 17.400 đồng/kg.
Tương tự, thương hiệu thép Việt Đức giảm giá bán dòng thép cuộn CB240 giảm 3.000 đồng/kg xuống mức 16.800 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 giảm 3.100 đồng/kg, giá bán ở mức 17.400 đồng/kg.
Hay với Công ty thép miền Nam cũng giảm 3.000 đồng/kg với thép CB240 và 3.100 đồng/kg với thép CB300, xuống còn 17.300 đồng/kg và 17.700 đồng/kg.
Thép Pomina đồng loạt giảm 3.000 đồng/kg đối với cả 2 loại thép CB240 và CB300, giá bán còn 17.700 đồng/kg và 17.900 đồng/kg.
Lũy kế 5 đợt giảm kể từ ngày 11/5, giá thép xây dựng của Hòa Phát đã giảm 15.000 – 20.000 đồng/kg; thép Việt Đức hạ xuống 17.000 – 20.000 đồng/kg; thép Việt Đức giảm 15.000 – 16.000 đồng/kg; thép miền Nam hạ xuống 17.000 – 19.000 đồng/kg.
Theo nhiều chuyên gia nhận định, giá thép liên tục giảm trong thời gian gần đây được cho là giá phôi thép và nguyên vật liệu đầu vào có xu hướng đi xuống.
Nhận định về triển vọng ngành thép năm 2022, ông Trần Đình Long - Chủ tịch CTCP Tập đoàn Hoà Phát tóm gọn bằng hai chữ "khó khăn". Tập đoàn Hòa Phát hiện có công suất thép thô 8,5 tỷ kg/năm trong đó có 5,5 tỷ kg phôi thép, thép xây dựng và 3 tỷ kg HRC. Hòa Phát giữ thị phần số 1 Việt Nam về thép xây dựng, ống thép. Hòa Phát đang là doanh nghiệp thép lớn nhất Đông Nam Á.
Cũng theo vị lãnh đạo Hòa Phát, chính sách Zero Covid khiến nhu cầu thép của Trung Quốc giảm mạnh trong khi đây lại là thị trường tiêu thụ thép lớn nhất thế giới. Do đó, việc Trung Quốc phong toả khiến tổng cầu trên thế giới cũng suy giảm.
Bên cạnh đó, chi phí đầu vào tăng càng khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp thép bị co hẹp. "Quý vị hãy đợi đến quý II, III, hết năm sẽ thấy nó thê thảm thế nào và mọi người cũng hiểu vì sao tôi thận trọng trong kế hoạch kinh doanh năm 2022. Ngành thép năm nay sẽ khó khăn, không còn thuận lợi như trước. Triển vọng từ nay đến cuối năm, giá thép có thể tiếp tục giảm" - ông Trần Đình Long nói.
Tập đoàn Hòa Phát vừa cho biết lượng thép thô sản xuất trong tháng 5 đạt 780 nghìn tấn, tăng 16% so với cùng kỳ 2021. Tổng lượng bán hàng phôi thép, thép xây dựng và thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 660.000 tấn, tăng 10%.
Riêng bán hàng thép xây dựng đạt 393.000 tấn, tăng 32% so với tháng trước và tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước khi hồi phục trong tháng 5, tiêu thụ thép xây dựng của Hòa Phát đã giảm sâu trong tháng 4, nguyên nhân là các đại lý vẫn còn tồn kho nhiều.
Trong tháng vừa qua, hoạt động xuất khẩu thép xây dựng đạt 167.000 tấn, gấp hơn hai lần so với cùng kỳ và đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của tập đoàn. Ngoài thép thành phẩm, Hòa Phát cũng cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước 63.000 tấn phôi thép.
Với HRC, sản lượng tháng 5 đạt trên 200.000 tấn, giảm 10% so với cùng kỳ 2021. Thị trường các sản phẩm hạ nguồn HRC như: ống thép, tôn mạ còn chậm, dẫn đến mức tiêu thụ nguyên liệu thép cuộn cán nóng thấp hơn so với cùng kỳ và tháng 4/2022.
Cụ thể, tiêu thụ ống thép Hòa Phát đạt 51.000 tấn, tăng 17% so với tháng trước nhưng giảm 20% so với cùng kỳ. Sản lượng tiêu thụ tôn mạ tương đương 54% so với cùng kỳ năm ngoái và tháng trước.
Lũy kế 5 tháng đầu năm, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất 3,6 triệu tấn thép thô, tăng 10% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng phôi thép, thép xây dựng và HRC đạt 3,4 triệu tấn, tăng 5%.
Thép xây dựng đóng góp 2 triệu tấn, tăng 26% so với 5 tháng đầu 2021. Trong số này có 631.000 tấn xuất khẩu, gấp hơn hai lần cùng kỳ. Tiêu thụ HRC ghi nhận 1,2 triệu tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, Hòa Phát còn bán ra trên 300.000 tấn ống thép, 152.000 tấn tôn mạ các loại cho thị trường trong và ngoài nước.